Đồng thời, đang phối hợp chặt chẽ với Bộ ngành liên quan để xây dựng nguyên tắc phân bổ, thứ tự ưu tiên để phân bổ kinh phí và các văn bản liên quan để hướng dẫn triển khai chương trình.
Đây là một trong những kết quả thực hiện giải pháp của ngành Giáo dục về tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT trong năm học vừa qua.
Cũng liên quan đến nội dung này, Bộ GD&ĐT đã tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học (vốn trái phiếu Chính phủ). Thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng, hiệu quả công tác xã hội hóa tại các địa phương. Trên cơ sở đó, hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng thời, thực hiện quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án ODA, rà soát các hoạt động dự án theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, kiên quyết cắt bỏ các hoạt động không cần thiết hoặc không còn phù hợp, tránh trùng lắp hoạt động giữa các chương trình, dự án.
Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, nguồn lực thu hút đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với tiềm năng; mức độ huy động nguồn lực giữa các vùng, miền và giữa địa phương khác nhau. Một số địa phương triển khai còn chậm và nhiều lúng túng.
Mặc dù được quan tâm cân đối vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 cho lĩnh vực giáo dục để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, tuy nhiên do nguồn lực hạn chế, số vốn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu kiên cố hóa của các địa phương.
Qua thực tế kiểm tra việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tại một số địa phương theo nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT, do nhu cầu đầu tư còn nhiều, các địa phương tập trung xử lý các vấn đề về giao thông, thủy lợi, giống cây trồng…, nên việc cân đối nguồn vốn cho lĩnh vực giáo dục gặp khó khăn. Do đó, việc thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học từ nguồn vốn này là rất hạn chế và không đạt được như mục tiêu của Đề án đề ra.