Năm học siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong nhà trường

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, các văn bản quy định được xây dựng và hoàn thiện theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính và giao tự chủ cho các cở sở giáo dục đại học (GDĐH) đồng thời nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH thông qua việc yêu cầu công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Đại bộ phận các các cơ sở GDĐH đã nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng giáo dục, coi chất lượng là yếu tố sống còn trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay; sứ mạng, mục tiêu, giá trị cốt lõi của nhà trường được xác định phù hợp điều kiện đặc thù của nhà trường.

Hầu hết các cơ sở đào tạo (98%) đã thành lập các đơn vị chuyên trách về công tác đảm bảo chất lượng và hoạt động có hiệu quả; chất lượng ngày càng được quan tâm, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành bên trong nhà trường, tạo sự lan toả trong toàn hệ thống.

Thành công bước đầu về cơ chế tự chủ

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đã có 23 cơ sở GDĐH thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ.

Sự thành công bước đầu tạo sự phát triển và tác động lan toả, giúp hệ thống GDĐH chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo và tiến tới tự chủ đại học.

Tỷ lệ các nhóm ngành đào tạo năm học 2017-2018. Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, 2018

Tỷ lệ các nhóm ngành đào tạo năm học 2017-2018. Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, 2018

Tăng chương trình đào tạo và các trường đạt kiểm định

Trong 2 năm gần đây, số lượng các chương trình đào tạo đại học và các cơ sở GDĐH đạt kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể:

Về kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở GDĐH: năm học 2017-2018, số cơ sở GDĐH đăng ký đánh giá ngoài tăng nhanh. Đến thời điểm 30/6/2018, cả nước có 217 trường đại học, 33 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm hoàn thành tự đánh giá và nộp báo cáo về Bộ GDĐT theo quy định; có 122 trường đã được đánh giá ngoài (chiếm 51,9% trong tổng số các trường đại học), trong đó có 117 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, có 04 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận kết quả kiểm định theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và 02 trường được đánh giá ngoài bởi AUN-QA.

Về kiểm định chương trình đào tạo: năm học 2017-2018, có thêm 05 chương trình đạo tạo được đánh giá ngoài công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Bên cạnh đó, một số chương trình đào tạo đã đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới như ABET, AUN, CTI, ACBSP và FIBAA….

Quan tâm nhiều hơn đến công bố quốc tế

Nhiều cơ sở đào tạo và cá nhân giảng viên đã quan tâm nhiều hơn tới việc đăng tải các chuyên đề và công bố quốc tế nhất là số lượng các bài báo thuộc danh mục ISI, Scopus.

Hợp tác quốc tế được tăng cường. Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng mới của Bộ GDĐT được xây dựng theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo thể hiện qua các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên và người học... đã tăng rất nhanh trong thời gian qua, có tới 96% số cơ sở đào tạo được kiểm định quan tâm đến hoạt động này.

Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch của ngành Giáo dục triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Các cơ sở GDĐH đã chủ động đẩy mạnh kết nối với đơn vị sử dụng lao động, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Việc gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động đã và đang phát huy tác dụng khá tích cực.

Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, Bộ GDĐT đã rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở đào tạo giáo viên để chuẩn bị quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên; khảo sát, thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương trong toàn quốc để làm căn cứ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho sát nhu cầu sử dụng, nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với đào tạo giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ