Những điều thú vị về bác sĩ Trần Đông A

Những điều thú vị về bác sĩ Trần Đông A

Vì nhi đồng không thể ra đi

Những điều thú vị về bác sĩ Trần Đông A ảnh 1
GS.BS Trần Đông A sau khi ra khỏi phòng phẫu thuật hai bé dính nhau, chiều 15/7 tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Ảnh: Vnexpress.

Sinh năm 1941 trong một gia đình Công giáo tại xã Hải Châu (Hải Hậu – Nam Định), năm 1954, cậu bé Trần Đông A theo gia đình vào Nam và học tại Trường Hồ Ngọc Cẩn – ngôi trường mang tên vị Giám mục tiên khởi của Tòa Giám mục Bùi Chu quê ông.

Ngay trong thời gian này, cậu học sinh Trần Đông A đã nổi tiếng bởi thành tích học tập nổi trội. Buổi sáng cậu học lớp Đệ Ngũ tại Trường Hồ Ngọc Cẩn, buổi chiều học lớp đặc biệt Ngũ - Tứ ở trường tư. 

Sau 3 năm học tập, Trần Đông A đậu bằng Trung học Đệ nhất cấp và theo học lớp đặc biệt Tam - Nhị ở trường tư. Một năm sau thì Trần Đông A đậu bằng Tú tài I trước thời hạn 1 năm so với các bạn cùng lứa ở Trường Hồ Ngọc Cẩn.

Sau sự kiện 30/4/1975, nhiều người đặt câu hỏi vì sao bác sĩ Trần Đông A không di tản mà quyết định ở lại Sài Gòn? Câu hỏi ấy với bác sĩ Trần Đông A mấy chục năm về trước cũng được nhắc lại khi ông đến dự một cuộc hội thảo về y học ở Hoa Kỳ. Ông trả lời rất thành thực, rằng không muốn bỏ đám nhi đồng bị bệnh ra đi.

Trước đó, năm 1972 - 1973 là thời gian bác sĩ Trần Đông A được gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại Hoa Kỳ. Là một nhân tài y học, nước Mỹ dành cho ông cơ hội định cư, nhưng kết thúc khóa tu nghiệp ông đã về nước, bỏ ngoài tai những lời khuyên can nhiệt thành.

Về việc này, ông đã tâm sự rất rõ: Quyết định ở lại Việt Nam thật không dễ dàng gì với bản thân và cả gia đình. Nếu ra đi, tương lai và sự nghiệp sẽ vô cùng xán lạn. Nhưng còn những đứa trẻ bệnh tật đang nằm chờ, trách nhiệm của một bác sĩ là phục vụ bệnh nhân.

Từ ca mổ vang danh thế giới

Ca mổ Nguyễn Việt và Nguyễn Đức vào ngày 4/10/1988 đã là một kỷ niệm nghề nghiệp không thể nào quên với bác sĩ Trần Đông A dù đã 32 năm trôi qua. Trước ca mổ, trong cuộc họp báo ngắn gọn, bác sĩ Trần Đông A tự tin khẳng định "có thể mổ được".

Bác sĩ Trần Đông A bước vào ca mổ cùng 62 y, bác sĩ. Đây là ca mổ đầu tiên về song sinh dính liền đầu tiên ở nước ta nên không khí phòng mổ vô cùng căng thẳng, ngột ngạt. 

63 y, bác sĩ trong kíp mổ đều hồi hộp như nhau, bởi trên bàn mổ chính là 2 sinh mạng tội nghiệp. Khi kim đồng hồ chỉ đúng 8 giờ 45 phút cũng là thời khắc con dao trong đôi tay của bác sĩ Trần Đông A chạm vào cơ thể của Việt – Đức.

Sau 12 tiếng "căng như dây đàn", đôi mi của bé Đức động đậy. Khoảnh khắc ấy đã khiến kíp trưởng Trần Đông A lặng đi vì vui sướng. Vui sướng là một phần, nhưng trách nhiệm nặng nề đang đợi bác sĩ ở phía trước, bởi những ẩn số thần kinh của bé Việt vẫn chưa có lời đáp.

"Ca mổ tách rời Việt - Đức đã trở thành một sự kiện mang tính quốc tế. Báo chí nước ngoài bình luận rất nhiều. Họ nhận định ca mổ Việt - Đức là điều kỳ diệu của cuộc sống, bởi ca mổ đã được thực hiện trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Từ thuốc điều trị, thuốc sát khuẩn và đặc biệt là trang thiết bị vô cùng thiếu thốn", bác sĩ Trần Đông A tâm sự.

Một năm sau sự kiện trên, bác sĩ Trần Đông A được mời đi báo cáo tại một số thành phố của Nhật Bản. Ông đã rất bất ngờ khi Giáo sư người Mỹ là Rowana Spencer - người đã thực hiện thành công ca mổ cứu sống chỉ một cháu đầu tiên dính nhau dạng bụng chậu 4 chân, được ê-kíp mổ dùng làm tài liệu tham khảo cho một phương án dự kiến khi tình huống xấu nhất xảy ra, đã nói với bác sĩ Trần Đông A: Báo cáo của ông là một sự kiện khoa học tuyệt vời, xin cho phép tôi được mô tả lại trong quyển sách sắp xuất bản của Trường Đại học John Hopkins.

Những điều thú vị về bác sĩ Trần Đông A ảnh 2
Kíp phẫu thuật bày tỏ niềm vui sau khi tách rời thành công hai cháu bé. Ảnh: Vnexpress.

Đến những thành tựu đáng kính trọng

Sau ca mổ mang tính bước ngoặt của ngành y tế Việt Nam, bác sĩ Trần Đông A tiếp tục thành công nhiều ca mổ phức tạp khác. Đặc biệt với ca mổ hai cháu nhỏ vào tháng 11/2005. Hai cháu dính nhau ở bụng ngực, cùng chung nhau ổ màng tim, cơ hoành, gan, ổ bụng. Ca mổ tách rời cũng là ca mổ đầu tiên được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn của quốc tế đem lại kết quả mỹ mãn.

Cũng trong năm 2005, bác sĩ Trần Đông A thực hiện ca mổ ghép gan đầu tiên cho trẻ dưới 2 tuổi với người cho sống. 

Đó là ca mổ sử dụng trang thiết bị hiện đại nhất của thế giới. Lần đầu tiên bàn tay của bác sĩ Trần Đông A được chạm đến con dao mổ siêu âm CUSA... Kết quả thành công tốt đẹp, cứu sống được cháu bé mà nếu không ghép sẽ chắc chắn tử vong trong một thời gian ngắn. Nhưng ít ai biết rằng, để ca ghép gan ấy thành công, ông và các cộng sự giỏi nhất Việt Nam đã phải chuẩn bị suốt 6 năm.

Với uy tín của mình, bác sĩ Trần Đông A đã trúng cử đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tiếp XI và XII, đồng thời là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI. Vốn rất bận bịu trong công việc, lại thêm cương vị đại biểu Quốc hội nên bác sĩ Trần Đông A đã phải làm việc cả ngày nghỉ một cách tự nguyện.

"May mắn là thời đại công nghệ thông tin phát triển nên khi cần hội chẩn với các chuyên gia y tế thì có thể trực tuyến. Những ca mổ quá khó thì tôi phải bay về để thực hiện, xong lại bay ra họp tiếp", bác sĩ Trần Đông A tâm sự.

Điều mà có lẽ buồn nhất đối với một người tài năng, tâm huyết như bác sĩ Trần Đông A chính là sự tự mãn của một số đồng nghiệp. Bởi vậy, ông thường khuyên các học trò của mình "phải biết xấu hổ khi chúng ta thua kém các nước trong khu vực".

Bí quyết sống khỏe của bác sĩ 79 tuổi

Để tuổi 79 vẫn khỏe khoắn và minh mẫn, bác sĩ Trần Đông A bật mí luôn thực hiện nghiêm túc các chế độ ăn - ngủ - nghỉ mà khoa học đã nghiên cứu. Khoảng 3 giờ sáng ông đã thực dậy, có khi ngồi viết lách, có khi đọc sách hoặc cập nhật thông tin. Đến 5 giờ sáng, bác sĩ Trần Đông A bắt đầu các bài tập thể dục bao gồm cả hít đất. Ông thường xuyên tập tennis để duy trì sự dẻo dai và tốc độ.

Với tuổi cao, việc ngủ là quan trọng nhưng không đơn giản. Với bác sĩ Trần Đông A, việc đó lại khác. Ông nói rằng, phải khổ luyện thói quen muốn ngủ là ngủ được ngay. Đầu tiên là từ việc suy nghĩ, phải làm chủ bản thân luôn nghĩ về những điều tích cực. Không để những điều lấn cấn trong đầu. Bỏ hết mọi thứ bên ngoài phòng ngủ. 

Đặc biệt, dù ngủ sớm hay muộn thì việc thức dậy đúng giờ để tập thể dục là vô cùng quan trọng. Dù tối hôm trước có phải thực hiện ca mổ, theo dõi bệnh nhân nặng… thì sớm hôm sau đúng 5 giờ là ông tập thể dục bất kể thời tiết thế nào.

Về ăn uống, bác sĩ Trần Đông A nói rằng: Ăn cân bằng là ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, rau, củ, chất béo gồm mỡ động vật và dầu thực vật. 

Mỗi người có một bản đồ gen khác nhau cho nên tùy mỗi người, mỗi công việc sẽ có một chế độ ăn cân bằng riêng. Ăn vào mà cảm thấy khỏe hơn, có cân nặng chuẩn thì nên duy trì chế độ ăn đó. Nên ăn đều đặn, đúng giờ. Trong xã hội luôn có những khuynh hướng sai dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc dư dinh dưỡng gây ra nhiều bệnh tật.

"Trong một hội nghị thế giới về rượu và sức khỏe, người ta đã đưa ra những khuyến cáo là ăn đúng, vận động và uống một lon bia mỗi ngày là cách không cần phải đến bác sĩ", bác sĩ Trần Đông A cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ