Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, cần một cơ chế chi trả minh bạch cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa để duy trì thường xuyên.
Tạo hành lang pháp lý phù hợp
Tại Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về y tế từ xa, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của y tế từ xa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Ông Thuấn cho biết, từ năm 2020 trong bối cảnh giãn cách do đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đã triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương trên 1.000 điểm cầu, cứu sống hàng nghìn người bệnh nặng.
Đến nay, hàng chục nghìn lượt người bệnh vẫn được tư vấn khám, điều trị từ xa. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm khám, chữa bệnh từ xa của các nước trên thế giới. Từ đó, đưa ra kế hoạch chung nhằm vận động và tạo hành lang pháp lý phù hợp việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.
Trong khi đó, ông Cheon Joo Hwan, Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế các Dự án Toàn cầu, Tổ chức Chăm sóc Sức khỏe Quốc tế Hàn Quốc (KOFIH) nhấn mạnh: “Dự án Y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam không chỉ hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần, mà còn tích hợp công nghệ thông tin vào dịch vụ y tế, với mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận y tế về mặt thể chất và nhận thức cho người dân Việt Nam, và được kỳ vọng sẽ trở thành một thành quả quý báu trong hợp tác giữa hai nước”.
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào khám chữa bệnh từ xa giúp bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thường xuyên hơn.
Từ đó, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm rủi ro. Hồ sơ sức khỏe điện tử (EMR), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và các thiết bị theo dõi từ xa… là các công cụ giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Phổ cập khám chữa bệnh từ xa
Tuy nhiên, việc triển khai y tế từ xa ở Việt Nam vẫn còn gặp một số thách thức. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cần một cơ chế chi trả minh bạch cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa để duy trì thường xuyên.
Tuy nhiên, nếu mức chi trả thấp hơn khám chữa bệnh trực tiếp, điều đó sẽ không khuyến khích các bác sĩ. Từ đó, dẫn đến không đảm bảo chất lượng. Ngược lại, việc chi trả cao hơn sẽ dễ dẫn đến lạm dụng.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, phải tìm cách khác nếu muốn biến khám bệnh từ xa trở thành phương pháp chữa bệnh được phổ cập trong xã hội.
Ông dẫn chứng, Mỹ, Singapore, Thái Lan trả phí giống nhau giữa khám chữa bệnh trực tiếp và từ xa. Theo chuyên gia này, dù nghe logic và dễ quản lý nhưng rất khó phân biệt những hạn chế của hai loại hình này. Do đó, lạm dụng chỉ định chắc chắn sẽ xảy ra.
Trong khi đó, tại Australia, chi phí khám chữa bệnh từ xa giảm một nửa (50%), Nhật Bản giảm 23% so với khám trực tiếp. Việc này sẽ giảm động lực tham gia của nhân viên y tế, dẫn đến suy giảm chất lượng khám từ xa. Riêng Hàn Quốc, giá khám Telehealth lại cao hơn 30% so với khám trực tiếp.
Theo ông Hiếu, để khám chữa bệnh từ xa phát triển mạnh, trước tiên, cần nâng cao hiệu quả bằng các phần mềm (app) thông minh. Đồng thời, đưa các công cụ hỗ trợ (device) vào hoạt động khám bệnh tại nhà. Lúc này, tính hiệu quả sẽ cao hơn hẳn so với việc người dân tự tra cứu trên mạng hay hỏi Chat GPT.
“Hơn nữa, phải khẳng định, Telehealth với các dữ liệu cá nhân được lưu giữ theo thời gian là một giá trị cao nhất trong việc quản lý sức khoẻ người dân”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu.