Những điều cần lưu ý khi điều trị các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ), mục tiêu điều trị Covid-19 là nhằm vào việc chữa các triệu chứng càng sớm càng tốt. Nhờ đó, giảm các tổn thương, ngăn ngừa di chứng lâu dài.

Người khó ngủ sau Covid-19 cần hạn chế dùng điện thoại, mạng xã hội.
Người khó ngủ sau Covid-19 cần hạn chế dùng điện thoại, mạng xã hội.

Tránh lạm dụng thuốc

Sau khi hồi phục Covid-19, không ít người rơi vào tình trạng bất ổn về tinh thần hoặc gặp một số triệu chứng như rụng tóc, đau khớp, ho kéo dài...

“Nhiều bệnh nhân cảm giác lo lắng, trầm cảm, hay cô đơn sau khi phục hồi Covid-19. Nỗi sợ hãi vì bệnh, đau thương, mất mát vì người thân trong đại dịch, lo lắng về tương lai bất định phía trước làm nhiều bệnh nhân càng thêm stress, dẫn đến mất ngủ, sụt cân, hay hoảng sợ. Các thuốc chữa trị tâm lý và tâm thần sau khi Covid-19 nên dùng vừa phải, tránh để bệnh nhân nghiện thuốc”, chuyên gia này khuyến cáo.

PGS Huỳnh dẫn chứng, nhiều bệnh nhân sau khi hồi phục Covid-19 không ngủ được. Tình trạng của họ không chấm dứt dù dùng các thuốc ngủ thông thường. Sau đó, họ dùng thuốc ngủ nặng.

Tuy nhiên, những loại thuốc như vậy có thể gây nghiện. Do đó, PGS Huỳnh cho biết, trị liệu tâm lý bao gồm trị liệu giao tiếp, tư vấn, giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ về các triệu chứng Covid-19, các biện pháp hồi phục triệu chứng để giảm bớt lo âu.

Ngoài ra, người khó ngủ sau Covid-19 cần hạn chế dùng điện thoại, mạng xã hội. Thay vào đó, nên tập trung thời gian vào cuộc sống, tập thể dục.

Đối với những trường hợp khó thở hậu Covid-19, PGS Huỳnh cho biết, có thể bắt đầu bằng các bài tập đơn giản như hít thở sâu khi ngồi tại chỗ, thở ra chậm, và dần dần tăng khi đi bộ.

Mọi người có thể tập thở khi ngồi, nằm, khi tập đi bộ, kết hợp dùng máy thổi Spirometry, tập thở khi đi bơi, hay tập hát lấy hơi sâu. Các bài tập thiền cũng giúp bệnh nhân thở chậm và thở sâu. Nhờ đó, giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.

“Nhiều bệnh nhân tổn thương phổi do Covid-19 bị ho lâu hay ho có đờm sau khi phục hồi bệnh. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc ho như Benzonatate, thuốc xịt ProAir, thuốc chống đàm Mucinex, hay các thuốc khác để làm tăng đường thở. Kết hợp tập thở và thuốc ho để trị dứt ho mạn tính”, chuyên gia này gợi ý. 

Chú trọng kiểm soát bệnh nền

Với người bị tim đập nhanh, điều quan trọng là cần được thăm khám, kiểm tra siêu âm tim. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc làm giảm nhịp tim. PGS Huỳnh khuyến cáo, người mắc triệu chứng này có thể tập thể dục từ từ để cải thiện nhịp tim. Trong khi đó, một số bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi sau Covid-19.

Để cải thiện tình trạng này, mọi người cần tập thể dục từ từ để tăng sức bền và sức mạnh của cơ bắp chân tay. Các bài tập tạ nhẹ kết hợp với tập thở có thể giúp cải thiện sự mệt mỏi. Nếu mệt mỏi dai dẳng, mọi người cần gặp bác sĩ chuyên khoa tim hay phổi để tìm ra nguyên nhân.

Theo PGS Huỳnh, với người bị đau nhức khớp sau Covid-19, có thể dùng thuốc không kê toa như Ibuprofen/Aleve hay Acetaminophen. Sau đó, tiếp tục tập vật lý trị liệu để chữa khớp bị đau. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, phục hồi đau khớp do Covid-19 có thể lâu hơn với người lớn tuổi. Vì vậy, điều quan trọng là người bệnh cần kiên nhẫn tập.

Trong trường hợp mất mùi/vị hậu Covid-19, PGS Huỳnh khuyến cáo dùng các bài tập nhớ mùi hay nhớ vị. Nếu mất trí nhớ, giảm tập trung, mau quên, mọi người có thể áp dụng phương pháp đọc sách, chơi các trò chơi kích thích trí nhớ như đánh cờ, học thêm các môn khác như nấu ăn, làm bánh. Giữ não bộ hoạt động trở lại bằng các kích thích phản xạ lành mạnh.

Theo PGS Trần Huỳnh, phần lớn người bị rụng tóc hậu Covid-19 là do lo lắng và stress. Vì vậy, đa số mọi người sẽ mọc lại tóc trong vài tuần hay vài tháng sau khi hết bệnh. Chuyên gia này khuyến cáo, người bệnh có thể dùng các thuốc kết hợp như Rogaine để xịt kích thích tóc mọc.

PGS Huỳnh nhấn mạnh, sau khi hồi phục Covid-19, mọi người cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để phục hồi tốt nhất. Trong đó, cần chú trọng nhất là nước, chất xơ, protein/tinh bột, và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương.

“Chế độ ăn uống bắt đầu bằng nhiều bữa ăn nhỏ, có đủ rau xanh, trái cây, protein/tinh bột. Uống nước đầy đủ, có thể dùng nước lọc kết hợp nước trái cây để có đủ vitamin. Lưu ý là chế độ ăn uống đầy đủ cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, thịt ít chế biến, không cần phải uống thêm vitamin hay thuốc bổ. Hạn chế ăn đường, không uống rượu, hút thuốc. Không nên uống nhiều cafe/trà vì có thể gây khó ngủ”, chuyên gia khuyến cáo.

PGS.TS Trần Huỳnh nhấn mạnh, mọi người cần điều trị các triệu chứng hậu Covid-19 ngay khi hồi phục. Tập thể dục và tập trị liệu thường xuyên, kết hợp trị liệu tâm lý, ăn uống đầy đủ chất sẽ giúp hồi phục nhanh sau Covid-19.

Ngoài ra, việc điều trị hoàn toàn hoặc kiểm soát tốt các bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, đau nhức khớp, sẽ giúp phục hồi các triệu chứng hậu Covid-19 nhanh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.