Theo BS Lê Anh Tú (Bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, càng ngày chúng ta càng nhận ra rằng, SARS-CoV-2 sẽ gắn liền với thế giới của con người, và nhân loại phải sống chung với nó trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.
Hàng chục nghìn trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra Covid-19, trong 5 tháng gần đây (từ 27/4/2021 đến 15/9/2021). Và trong 3 năm tới, trên thế giới, có lẽ Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh của người trẻ (đặc biệt là trẻ em). Nguyên do là nhiều quốc gia đã tiêm phòng cho người lớn tuổi trước, và hiện đang đạt mức độ tiêm phòng cao nhất ở nhóm dân số trưởng thành. May mắn thay, cho đến hiện tại, trẻ em và thanh thiếu niên ít có khả năng mắc bệnh nặng hơn so với người lớn.
Tuy nhiên, ngay cả khi trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, trẻ vẫn có thể tồn tại một số tổn thương khác sau khi khỏi bệnh – được coi là "Covid kéo dài", "hậu Covid". Với nguy cơ tăng cao số trẻ em mắc Covid-19 trong tương lai, việc tìm hiểu gánh nặng bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo thống kê của Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, hơn 80% bệnh nhân F0 đều có hội chứng hậu Covid-19. Đặc biệt, một số trường hợp có hiện tượng bị xơ phổi có thể phục hồi được mất dần theo thời gian hoặc kéo dài vài tháng và cũng có thể trở thành xơ hóa vĩnh viễn. Nhìn chung, các hội chứng hậu Covid-19 xuất hiện khi bệnh nhân nằm viện từ 3-6 tháng sau khi bệnh nhân âm tính trở lại, hoặc điều trị tại nhà.
Trong bối cảnh ghi nhận nhiều bệnh nhân có di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần sau khi mắc Covid-19, nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thành lập khoa điều trị hậu Covid-19 nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, quận Hoàng Mai, Hà Nội…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu Covid-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.
Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19 (post Covid-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
WHO ước tính 10 - 20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.