Cách vượt qua di chứng hậu Covid-19

GD&TĐ - Không ít bệnh nhân mắc Covid-19 không hồi phục hoàn toàn sau khỏi bệnh, thậm chí để lại di chứng.

Người cao tuổi, bệnh lý nền có nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19.
Người cao tuổi, bệnh lý nền có nguy cơ gặp di chứng hậu Covid-19.

Những người lớn tuổi và người mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng sau Covid-19 kéo dài. Song, ngay cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng có thể gặp nhiều vấn đề trong vài tuần đến vài tháng hậu Covid-19.

Ho kéo dài

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê một loạt triệu chứng hậu Covid-19 và lưu ý vấn đề gặp ở một số bệnh nhân nhẹ: Khó thở/thở gấp; mệt mỏi; khó chịu khi gắng sức; “sương mù não” - tức khó nghĩ, khó tập trung; ho; đau ngực; đau dạ dày; đau đầu; tim đập nhanh hoặc mạnh; đau khớp hoặc cơ; tiêu chảy... Đối với các triệu chứng phổ biến, đa số có thể tự hồi phục nhưng cũng có người cần đến bác sĩ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM chia sẻ, hậu Covid-19, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng ho kéo dài, tương tự sau khi cảm. Cơn ho có thể xuất hiện khi bệnh nhân cười, nói, hít không khí lạnh, hít phải mùi lạ, hoặc thay đổi tư thế.

Tình trạng này có thể khiến người bệnh tỉnh giấc vào ban đêm. Thông thường, người ho hậu Covid-19 thường ho kiểu ngứa họng, ho nhiều sặc sụa..., ho khan và ít khi ho có đàm. Theo bác sĩ Khanh, người dễ ho sau Covid-19 bao gồm nhóm cơ địa dị ứng, trào ngược, suyễn.

Chuyên gia này khuyến cáo, người bệnh có thể làm giảm cơn ho bằng cách tập thở. Thở bụng có chú ý, hít vào bụng phình, thở ra bụng xẹp mỗi đợt 3 - 4 nhịp. Nuốt và ngậm miệng.

Sau đó, hít vào thở ra bằng mũi cho đến khi hết ho. Ngoài ra, có thể uống từng ngụm nước ấm, ngậm kẹo. Tránh để khô họng, uống đủ nước. Đồng thời, điều trị dị ứng, trào ngược và suyễn. Người bệnh cũng có thể uống thuốc ho

“Trong bệnh nhiễm trùng nói chung sẽ có hậu nhiễm. Người bệnh nặng phải hồi sức, bị mất sức, suy nhược. Bệnh Covid-19 nặng cũng vậy. Nhóm người này cần phục hồi chức năng, nâng đỡ tinh thần và tẩm bổ nhiều vài tháng đến vài năm”, bác sĩ Khanh nhận định.

Theo chuyên gia này, hậu nhiễm trùng một tác nhân gây bệnh mới, dù tình trạng không quá nặng, nhưng cơ thể cần huy động nguồn năng lượng sản xuất kháng thể. Do đó, người bệnh có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi mất sức, rụng tóc…

Bác sĩ Khanh cho biết, với người cơ địa suyễn, sau cảm cũng có thể nặng thở. Tuy nhiên, hậu Covid-19, nhiều người từ nặng thở sẽ cảm thấy lo lắng, dẫn đến stress. Đồng thời, cảm thấy thắt họng, tê tay, tê chân... Do đó, theo bác sĩ Khanh, điều đáng lo ngại nhất là mọi người hoảng loạn khi gặp các triệu chứng này. Bởi, nhiều F0 có tinh thần yếu, cơ địa trầm cảm, rối loạn lo âu.

Di chứng cục máu đông

Mới đây, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, hiện nay, ngành y tế đã ghi nhận thêm các tình trạng bệnh lý hậu Covid-19 như mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần. Ngành y tế thành phố đang tổ chức xây dựng kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe thể chất và tăng cường phối hợp giữa Đông - Tây y trong việc chẩn đoán, điều trị cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, một số người cũng gặp vấn đề về tim mạch sau mắc Covid-19. ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết: “Covid-19 có nguy cơ để lại di chứng là cục máu đông.

Đây là căn nguyên của một loạt vấn đề nghiêm trọng như khó thở (do cục máu đông trong phổi), đau tim (do cục máu đông trong tim) và đột quỵ (do động mạch đến não bị tắc nghẽn)”.

Việc điều trị tổn thương tim mạch hậu Covid-19 sẽ phụ thuộc vào triệu chứng gặp phải. Ví dụ, nếu có nhịp tim nhanh, đau thắt ngực hoặc hội chứng mạch vành cấp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc chẹn beta.

Đối với tình trạng viêm màng ngoài tim, bác sĩ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm. Nhờ đó, giúp giảm sưng và viêm bao màng ngoài tim hiệu quả. Bác sĩ Kiều gợi ý, mọi người có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng tim mạch hậu Covid-19.

Trước hết là tập thể dục đều đặn. Theo chuyên gia này, hoạt động thể chất tốt cho tim. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về hình thức vận động phù hợp.

Tập thể dục gắng sức ngay sau khi khỏi Covid-19 có thể gây căng thẳng cho tim và các cơ quan khác của cơ thể như phổi, gan. Do đó, cần bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng. Sau đó, từ từ tăng cường độ tập lên như lúc chưa mắc bệnh.

“Cố gắng duy trì cân nặng hợp lý, đừng để tăng hoặc giảm cân quá nhiều. Đây là nền tảng của một trái tim khỏe mạnh. Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường rau củ quả, protein tốt, chất béo tốt; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều muối và thực phẩm nhiều đường.

Nhận biết triệu chứng nghiêm trọng để đến bệnh viện kịp thời. Đừng bỏ qua các dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất. Hội chứng hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời”, bác sĩ Kiều khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.