Những cuộc gọi thất đức

GD&TĐ - Có thể nói như vậy về những cuộc gọi của bọn lừa đảo đến số máy của phụ huynh, báo tin con họ bị tai nạn đang cấp cứu tại các bệnh viện ở TPHCM.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Có thể nói như vậy về những cuộc gọi của bọn lừa đảo đến số máy của nhiều phụ huynh báo tin con bị tai nạn đang cấp cứu tại các bệnh viện ở TPHCM, yêu cầu người nhà chuyển hàng chục triệu đồng; thậm chí có người đã chuyển 200 triệu đồng để con họ được mổ cấp cứu.

Có một điều lạ là, “kịch bản” lừa đảo này đã được bọn bất lương áp dụng cả tuần nay nhưng hầu như ngày nào, các bệnh viện như Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, Bệnh viện Xuyên Á TPHCM… cũng nhận được các cuộc gọi của phụ huynh hỏi thăm con họ có bị cấp cứu không.

Có người điện tới hỏi và nhận câu trả lời “không có trường hợp nào như vậy đang cấp cứu” nên không chuyển tiền nhưng cũng không ít người vì quá nóng ruột trước tin dữ đã chuyển tiền cho quân lừa đảo.

Chưa có con số thông kê chính thức từ các nạn nhân báo cáo lên cơ quan chức năng, song trong một tuần qua cũng đã có hàng chục trường hợp mất tiền oan vì những cuộc gọi thất đức từ đám lừa đảo này.

Có vẻ như, trước khi thực hiện các cuộc gọi lừa đảo ấy, bọn bất lương đã nghiên cứu rất kỹ nhân thân của các số điện thoại mà chúng có được. Tùy theo điều kiện kinh tế của phụ huynh mà bọn lừa đảo sẽ đưa ra các yêu cầu mức giá khác nhau sau khi thông báo “hiện trạng bệnh tình” của con em họ.

Người nào khá giả, bọn chúng ra mức giá cả trăm triệu đồng, nhưng những ai kinh tế không dư dả gì nhiều thì chúng chỉ ra mức 50 triệu đồng. Bọn lưu manh này quá rành tâm lý của từng phụ huynh để lừa chứ không phải ai chúng cũng gọi.

Có hai điều cần lưu ý trong câu chuyện này. Một là, số điện thoại của phụ huynh bị rò rỉ từ nhà trường hay bọn lừa đảo có được từ nhà cung cấp dịch vụ nào đó? Cơ quan chức năng cũng cần tìm hiểu cụ thể về vấn đề này để có biện pháp ngăn chặn.

Thứ hai là, chuyện lừa đảo bằng hình thức này đã được các phương tiện truyền thông, thậm chí mạng xã hội phản ánh cả tuần nay nhưng tại sao vẫn có người mắc bẫy? Rất khó tin khi có những bậc phụ huynh hoàn toàn không biết về câu chuyện này từ gần 10 ngày qua. Lao vào làm ăn đến mức quên hết mọi thứ diễn ra quanh mình để phải nhận lãnh hậu quả như thế thì kể cũng lạ thật.

Trò lừa đảo bằng cách cướp tài khoản Facebook của người khác rồi nhắn tin mượn tiền, nay đã lạc hậu rồi nên bọn lừa đảo đã chuyển sang hình thức mới.

Nhưng lấy tiền người khác bằng cách thông báo tin chẳng lành về hiện trạng con cái họ như vậy thì quá thất đức. Có lẽ, công an sẽ sớm lôi bọn bất lương này ra ánh sáng như họ đã làm với bọn giả danh bạn bè trên Facebook để mượn tiền trước đây.

Bài học rút ra cho mọi người là, trước khi chuyển một món tiền nào đó vào tài khoản của ai đó thì cũng cần phải kiểm tra lại thông tin cho thật kỹ kẻo mất tiền oan. Riêng các trường hợp cấp cứu thì không bao giờ có chuyện chuyển tiền trước rồi mới chữa trị sau. Mọi người nên biết điều này. Đó là quy định bắt buộc của ngành Y tế lâu nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.