Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, thời gian gần đây thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về các cuộc gọi giả mạo. Mặc dù đa số người dân đã biết đến hình thức lừa đảo này, kể cả những người có kiến thức về công nghệ, cập nhật các tin tức xã hội nhưng vẫn bị mắc bẫy do những thủ đoạn lừa đảo này quá tinh vi và chuyên nghiệp.
Để khiến người dùng “sập bẫy”, đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh lòng tham hay nỗi sợ hãi.
Một số kịch bản phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng:
Giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án
Những đối tượng này gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia,...
Khi nạn nhân nói rằng mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.
Giả mạo nhân viên sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số
Những cuộc gọi điện hoặc nhắn tin này thường mang nội dung thông báo chủ nhân của số điện thoại may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa.
Từ đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp số OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử.
Giả mạo làm nhân viên bưu điện
Những cuộc gọi giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện…
Bộ Công an khuyến cáo
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp...
Người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội.
Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn.
Với các trường hợp nghi lừa đảo, người dùng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài khoản của mình với các nguyên tắc sau:
- Không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên với bất kỳ hình thức nào.
- Không đăng nhập vào bất kỳ đường link nào do người lạ gửi.
- Không quét các QR code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin.
- Không cho mượn/cho phép người khác sử dụng tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng điện tử...
- Không để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản Ngân hàng/ví điện tử trên mạng xã hội.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.