Những con đường của lòng dân

GD&TĐ - Hàng chục hộ dân ở xã Hòa Ninh (Đà Nẵng) sẵn sàng gỡ hàng rào, hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường mà không yêu cầu bồi thường.

Con đường đất đỏ sau khi được người dân hiến đất đã được mở rộng và đổ bê tông.
Con đường đất đỏ sau khi được người dân hiến đất đã được mở rộng và đổ bê tông.

Hàng chục hộ dân ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sẵn sàng gỡ hàng rào, hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường mà không yêu cầu bồi thường. Họ quan niệm rằng, đây là nguồn lực giúp cho địa phương và đất nước phát triển…

Dân đồng thuận hiến đất, góp tiền

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại thôn Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Trưởng thôn Mỹ Sơn Nguyễn Phú Kiểm (SN 1960) dẫn chúng tôi đến con đường nội đồng vừa được đổ bê tông hơn 600m sạch sẽ, phẳng lỳ. Đây là con đường mà Nhà nước và nhân dân cùng làm trong thời gian qua.

Ông Kiểm kể, trước đây con đường kiệt hẻm này chỉ rộng khoảng 2,5m và luôn trong tình cảnh “nắng bụi, mưa bùn” gây khó khăn trong việc di chuyển, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây.

“Để giải quyết tình cảnh này, giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, UBND xã Hòa Ninh đã triển khai kế hoạch mở rộng, cải tạo các tuyến đường giao thông nội đồng và kiệt hẻm trên địa bàn.

Thế nhưng, để làm được điều đó, địa phương đã nhiều lần họp dân, tuyên truyền và lắng nghe ý kiến, thông qua đó kêu gọi người dân chung tay đóng góp trong việc cải tạo đường giao thông. Sau đó, phương án chi tiết trong việc mở đường được đưa ra công khai, khiến người dân trong thôn hưởng ứng rất nhiệt tình”, ông Kiểm chia sẻ.

Được sự đồng thuận của người dân, tuyến đường rộng 2,5m đất đỏ lúc bấy giờ đã được mở rộng ra thành 5m, đổ bê tông dày 20cm với chiều dài hơn 600m. “Như đã thỏa thuận, khi mở đường vướng tường rào, cổng ngõ nhà ai thì nhà đó tự tháo dỡ. Nhiều người dân rất vui vẻ thực hiện, có người hiến gần 200m2 đất ở, đất nông nghiệp và cây cối… Thậm chí có nhà còn sẵn sàng hỗ trợ tiền, góp công sức trong việc làm đường. Từ khi thực hiện đến khi hoàn thành con đường hết khoảng 20 ngày”, ông Kiểm nói tiếp.

Đứng trên con đường nội đồng dài hơn 600m, rộng 5m chạy dài nối với các cánh đồng, ông Kiểm phấn khởi nói: “Mùa mưa năm nay, người dân không còn cảnh lội bùn nữa”.

Theo lời ông Kiểm, con đường mới, khang trang rộng rãi là điều nhiều người dân mong đợi. Vì thế, khi chính quyền tuyên truyền về việc mở đường nhiều hộ dân trong thôn hiến hàng trăm mét vuông đất vào việc làm đường như các ông Lương Quốc Khánh, Hoàng Nghĩa Thọ, Hoàng Hữu Thắm…

Hiến gần 100m2 đất ở, đất nông nghiệp để mở đường, ông Hoàng Hữu Thắm (trú thôn Mỹ Sơn) cho hay, trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới với tinh thần trách nhiệm, đóng góp vào sự thành công của chương trình, bản thân gia đình ông đã tự nguyện hiến đất để làm đường bê tông.

Ông Hoàng Hữu Thắm chia sẻ: “Giao thông nông thôn là điều quan trọng để đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương, với trách nhiệm của người công dân, tôi đã đồng ý hiến đất mở rộng đường. Bởi vì khi hiến đất, người dân cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích, đường sá thông suốt. Hơn nữa làm đường là làm cho mình và con cháu sau này thuận tiện đi lại, vì thế tôi chỉ đóng góp một phần công sức nhỏ bé cùng với địa phương để xây dựng con đường khang trang”.

Còn ông Lương Quốc Khánh thì cho rằng, việc làm đường chủ yếu vì mục tiêu phát triển chung, phục vụ lợi ích chính đáng của bà con nhân dân. Bà con đồng thuận, chung sức cùng địa phương từ những con đường nhỏ giờ đây đã làm nên những con đường lớn nên ai cũng vui mừng.

Con đường bê tông do nhà nước và nhân dân cùng làm.

Con đường bê tông do nhà nước và nhân dân cùng làm.

Con đường nay đã khang trang, sạch đẹp.

Con đường nay đã khang trang, sạch đẹp.

Mở ra tương lai

Với ông Nguyễn Phú Kiểm, làm đường không chỉ là việc của Nhà nước mà ở đó còn có sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của người dân. Bởi vì đây là mục tiêu phát triển chung, mang lại lợi ích chính đáng cho bà con. Bản thân gia đình ông Kiểm trước đây cũng hiến hàng chục mét vuông đất ở để mở rộng con đường kiệt hẻm.

“Để có được sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất làm đường, chúng tôi đã đến từng hộ dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người. Bởi khi hiến đất mở đường, người hưởng lợi đầu tiên chính là các hộ dân đó. Mà sâu hơn là để mở ra tầm nhìn, tương lai cho con cháu sau này. Nếu con cháu sau này lớn lên thấy con đường nhỏ, đầy bùn lội thì sẽ nghĩ ra sao. Đây là điều cốt lõi của chương trình, mở ra tương lai tươi sáng hơn, mang lại sự phát triển kinh tế cho địa phương. Góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội”, ông Kiểm nói.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho hay, để thực hiện 8 tuyến bê tông nông thôn trong năm 2023, UBND xã đã tổ chức 15 cuộc họp dân, gồm mặt trận các đoàn thể cùng cấp ủy quân dân chính tại các thôn.

Theo ông Thương, người dân các thôn Sơn Phước, Đông Sơn, Mỹ Sơn đã hiến 600m2 đất ở. Cạnh đó, người dân còn hiến tổng cộng 5.400m2 đất nông nghiệp gồm: Đất lúa, đất màu, đất trồng cây lâu năm. Vận động người dân tháo dỡ 1.250m tường rào để hiến đất làm đường. Ngoài ra, kinh phí người dân tự làm mặt bằng ước tính hơn 179 triệu đồng. Qua đó, đã triển khai 8 tuyến đường với chiều rộng mỗi đường là 5m.

“UBND xã Hòa Ninh đã cố gắng hoàn thiện tiêu chí hạ tầng giao thông, để từ đó góp phần cùng với huyện Hòa Vang hoàn thành tiêu chuẩn đô thị loại 4 và phấn đấu lên thị xã vào năm 2025”, ông Thương chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú Kiểm trao đổi với PV Báo GD&TĐ về chủ trương người dân hiến đất làm đường.

Ông Nguyễn Phú Kiểm trao đổi với PV Báo GD&TĐ về chủ trương người dân hiến đất làm đường.

Theo vị đại diện UBND xã Hòa Ninh, với phương châm “giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn” nhằm đưa việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả, thời gian tới, địa phương sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn, huy động cả hệ thống chính trị tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

“Đối với những tiêu chí chưa đạt có liên quan đến chủ trương chung như quy hoạch, giao thông, chất lượng môi trường sống, nước sạch, địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị các ngành có liên quan sớm quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện, vì những tiêu chí này cần phải có sự hỗ trợ kinh phí lớn của Nhà nước, vượt quá khả năng của địa phương.

Đối với những tiêu chí chưa đạt mà không cần phải đầu tư kinh phí nhiều, địa phương sẽ tăng cường công tác vận động, xã hội hóa để huy động sự vào cuộc của toàn dân, phấn đấu hoàn thành và duy trì cũng như nâng cao chất lượng của các tiêu chí.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bởi các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn này có nhiều nội dung mới được bổ sung hướng tới “chiều sâu”, yêu cầu cao hơn, cần nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư thực hiện”, ông Thương khẳng định.

Có thể thấy, nhờ sự đồng lòng của người dân mà mạng lưới giao thông của xã Hòa Ninh nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung đã từng bước hoàn thiện. Những con đường mới đã giúp cho việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Diện mạo vùng nông thôn của Đà Nẵng đã dần thay đổi, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.