Chuyển đổi số trong trường học:

Những cô giáo công nghệ

GD&TĐ - Trên mọi miền đất nước, không khó để gặp hình ảnh giáo viên trẻ trung, năng động, có nhiều sáng kiến áp dụng công nghệ vào giảng dạy...

Cô Trương Thị Hiền (ngồi) xây dựng thành công ứng dụng “Sổ tay đến trường”. Ảnh: Vân Anh
Cô Trương Thị Hiền (ngồi) xây dựng thành công ứng dụng “Sổ tay đến trường”. Ảnh: Vân Anh

Chuyên gia thiết kế bài giảng điện tử

Hơn 10 năm công tác, cô Đào Thị Nhung- giáo viên Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn nỗ lực, nghiêm túc đi đầu trong công tác chuyên môn, ứng dụng phương pháp dạy học tiên tiến trong giáo dục trẻ; tổ chức các hoạt động mẫu cho giáo sinh, đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường đến kiến tập.

Bên cạnh đó, cô Nhung tự nghiên cứu các phần mềm làm video, tìm hiểu thiết kế đồ họa, bài giảng e-learning, xây dựng kho học liệu số của trường. Với khả năng công nghệ thông tin (CNTT) tốt, cô đã tạo ra nhiều bài giảng e-learning để dùng trong các giờ dạy trẻ. Trong đó có một số bài tiêu biểu như: Biến đổi khí hậu, bàn tay robot, kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn, bài tập củng cố kỹ năng bảo vệ bản thân phòng chống xâm hại…

Năm học 2021-2022, cô Nhung đã thiết kế 9 bộ sách trò chơi học tập tương tác trực tuyến cho trẻ 3-5 tuổi. Cụ thể, chuyên đề “Tôi yêu Việt Nam” gồm 163 trò chơi trên phần mềm Liveworksheets và nhiều trò chơi trên phần mềm khác chứa nội dung phong phú, hấp dẫn và đồng tâm cho trẻ mẫu giáo.

Cùng với đó, cô đã đóng góp vào kho học liệu số của nhà trường với 500 bài giảng điện tử powerpoint, hơn 20 bài giảng e-learning, nhiều bài giảng video online cùng bộ 53 video giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Các bài giảng đảm bảo đủ và đa dạng, phù hợp với từng chủ đề vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào việc xây dựng môi trường và kích thích sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Còn tại Trường Mầm non Đông Ngạc B (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Vân Anh được gọi là chuyên gia công nghệ không chỉ bởi có kiến thức tốt mà còn làm được nhiều sản phẩm hữu ích, ứng dụng hiệu quả trong quá trình dạy học. Cô đã thực hiện nhiều tiết chuyên đề dạy học "đậm chất công nghệ", được phụ huynh và đồng nghiệp tham dự đánh giá cao.

Những sáng kiến đậm chất công nghệ của cô Vân Anh như xây dựng hệ thống báo ăn và báo hỏng qua mạng; thiết kế và xây dựng phần mềm quản lý trường học; soạn bài giảng điện tử, giáo án e-learning; tổ chức các hoạt động giao lưu tập thể ngoài trời cho học sinh... đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Đặc biệt, trong thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19, cô đã tích cực xây dựng “Kho học liệu số mầm non” với hàng trăm giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, phần mềm hỗ trợ, hình ảnh, video clip... để cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường tham khảo.

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Đỗ Thị Mai Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Ngạc B cho biết, nhiều năm qua, cô Vân Anh đã tích cực xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, luôn đổi mới hình thức, phương pháp, tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

Sổ tay kết nối gia đình, giáo viên

Với mong muốn nhà trường và gia đình kết nối hiệu quả, nhằm tăng cường quản lý, hỗ trợ học sinh, cô Trương Thị Hiền- giáo viên Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xây dựng thành công ứng dụng “Sổ tay đến trường”. Sáng kiến này có tính thực tiễn cao, khích lệ học sinh tiến bộ, không để em nào ở lại phía sau.

Cô Đào Thị Nhung (Trường Mầm non Ánh Sao, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ thông tin cho các đồng nghiệp. Ảnh: Vân Anh

Cô Đào Thị Nhung (Trường Mầm non Ánh Sao, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ thông tin cho các đồng nghiệp. Ảnh: Vân Anh

Để hình thành ứng dụng, cô nêu ý tưởng, thiết kế giao diện và trình bày với ban giám hiệu. Với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên Tin học, ứng dụng ra đời, được thực nghiệm đầu tiên tại lớp cô chủ nhiệm trong năm học trước. Năm học 2022-2023, khi học sinh đến trường học trực tiếp, nhận thấy những tính năng của “Sổ tay đến trường” vẫn có nhiều ý nghĩa, cô Hiền tiếp tục tìm tòi để hoàn thiện.

Ứng dụng gồm 3 tính năng chính: “Hoạt động hằng ngày”, “Khoảnh khắc đáng nhớ”, “Chia sẻ kết nối”. Trong đó, ở mục “Hoạt động hằng ngày”, phụ huynh, học sinh sẽ dễ dàng thấy được các công việc, nhiệm vụ cần thực hiện với sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên.

Nhiệm vụ, công việc của học sinh được cập nhật theo ngày, tuần trên ứng dụng. Hay ở mục “Khoảnh khắc đáng nhớ”, giáo viên có thể chủ động tạo ra cuốn album để cập nhật hoạt động hằng ngày, phong trào thi đua qua hệ thống video và hình ảnh.

Phụ huynh không chỉ thấy những hoạt động ở trường của con em mình mà những tâm tư, nguyện vọng sẽ được giáo viên, nhà trường giải đáp qua mục “Chia sẻ kết nối” một cách kịp thời, đồng thời đảm bảo bí mật và riêng tư. Ứng dụng giúp phụ huynh không còn nỗi lo việc thông báo trên Zalo của giáo viên bị trôi hay quá nhiều nhóm Zalo học tập của con khiến cha mẹ quá tải.

“Năm đầu tiên con vào lớp 1 nên gia đình rất lo lắng, không biết quá trình con học trên lớp như thế nào. Rất may mắn, ứng dụng “Sổ tay đến trường” đã giúp phụ huynh có thể đồng hành cùng nhà trường. Ứng dụng thao tác đơn giản, ai cũng có thể dùng”, anh Trần Quốc Đức- phụ huynh học sinh lớp 1A9 bày tỏ.

Chia sẻ về ứng dụng “Sổ tay đến trường”, cô Trương Thị Hiền nhắc tới một học sinh trong lớp. Em là học sinh hòa nhập, gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp. Tuy nhiên, em lại có nhiều điểm mạnh như có thể ghi nhớ và tái hiện lại sự việc dưới dạng hình ảnh. Nhờ có ứng dụng, cô tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, giúp em tiến bộ rất nhiều trong việc học tập ở trường.

Cô Trần Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Định cho rằng, “Sổ tay đến trường” là ứng dụng hay, hỗ trợ giáo viên trong việc tăng cường kết nối với phụ huynh để nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là có thể quan tâm nhiều hơn đến từng học sinh. Sau khi nhận thấy tính khả thi của ứng dụng, nhà trường đã tích hợp trên website để các lớp khác cùng sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ