Chuyển đổi số trong trường học:

Làm chủ 'cuộc chơi' từ năng lực số

GD&TĐ - Theo ý kiến chuyên gia, cần trang bị năng lực số một cách toàn diện cho sinh viên...

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội tham gia Cuộc thi Olympic Tin học không chuyên. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội tham gia Cuộc thi Olympic Tin học không chuyên. Ảnh: TG

Theo TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cần trang bị năng lực số một cách toàn diện cho sinh viên để các em chủ động tham gia thị trường lao động và làm chủ “cuộc chơi”.

Đề xuất khung năng lực số cho sinh viên

- Xuất phát từ đâu mà ông và nhóm nghiên cứu lại viết bộ ba tài liệu khung năng lực số, sách chuyên khảo “Năng lực số” và cẩm nang phát triển năng lực số cho sinh viên?

- Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó có mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu phát triển kinh tế số sẽ chiếm 30% DGP.

Để đạt mục tiêu này, một trong những điều kiện tiên quyết là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị năng lực số. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhất trong khối ASEAN về lao động việc làm do chuyển đổi số. Chúng ta đang thiếu hụt nguồn nhân lực số, người lao động đang thiếu kỹ năng số căn bản để làm việc.

Sinh viên sẽ là lực lượng lao động quan trọng. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi cũng như những báo cáo gần đây cho thấy, sinh viên chưa được trang bị toàn diện năng lực số cần thiết để chủ động tham gia thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay. Bên cạnh đó, sinh viên là những công dân số, do vậy cần tham gia một cách tích cực, phản biện và thông thạo vào môi trường kỹ thuật số, dựa trên các kỹ năng giao tiếp hiệu quả và sáng tạo. Họ cần thực hành các hình thức tham gia xã hội để tôn trọng quyền và phẩm giá con người thông qua việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Để trở thành một công dân số, mỗi cá nhân cần được trang bị năng lực số.

Những điều trên đã thúc đẩy chúng tôi đề xuất với Tập đoàn Meta cùng phối hợp để phát triển năng lực số cho sinh viên. Trong đó, lần đầu tiên tại Việt Nam đề xuất khung năng lực số cho nhóm này. Cuốn cẩm nang giúp các em đọc để thấy mình cần có những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất gì để phát triển bản thân. Còn cuốn chuyên khảo về năng lực số được sử dụng thử nghiệm để đào tạo sinh viên ngành Quản lý thông tin tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

TS Đỗ Văn Hùng.

TS Đỗ Văn Hùng.

Tạo ra những công dân số có trách nhiệm

- Có nhiều tài liệu liên quan đến chuyển đổi số, trong đó có cả nội dung mà ông cùng các tác giả đề cập đến trong sách chuyên khảo và cẩm nang phát triển năng lực số cho sinh viên. Vậy các cuốn sách của nhóm có điểm gì khác biệt?

- Năng lực số được các nước phát triển đề cập từ lâu. Đã có những khung năng lực và tài liệu hướng dẫn phát triển năng lực số cho các đối tượng khác nhau. Khung năng lực số và tài liệu chúng tôi phát triển đều dựa trên những tài liệu này. Chẳng hạn như: Khung năng lực số của Ủy ban châu Âu (DigComp); Khung năng lực số của UNESCO; Khung năng lực số của Ủy ban Liên hợp Hệ thống thông tin (JISC); Chương trình tư duy thời đại số của Meta…

Việc tham khảo các khung năng lực số này là tất yếu vì năng lực số vừa mang tính toàn cầu, vừa có yếu tố đặc thù cho mỗi quốc gia. Chúng tôi chỉ kỳ vọng đặt một trong những viên gạch đầu tiên cho nhiệm vụ rất lớn và quan trọng, đó là phát triển năng lực số cho sinh viên Việt Nam. Thực tế, đến lúc này chưa có cuốn cẩm nang về năng lực số dành cho sinh viên như chúng tôi đã xuất bản.

Khung năng lực số dành cho sinh viên. Ảnh: NVCC

Khung năng lực số dành cho sinh viên. Ảnh: NVCC

- Vậy các cuốn sách, cẩm nang mà ông làm chủ biên liệu có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo cho sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nói riêng và sinh viên, học viên trong cả nước nói chung?

- Như đã đề cập ở trên, sinh viên chưa có được năng lực số một cách toàn diện. Họ rất thông minh, nhanh nhạy với công nghệ nhưng đâu đó vẫn thiếu những năng lực cần thiết để học tập chủ động cũng như chuẩn bị tham gia thị trường lao động mang tính toàn cầu đầy cạnh tranh. Nếu được hướng dẫn đúng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi tin tưởng, họ sẽ làm được và trở thành những công dân số có khả năng thích ứng cao.

Các tài liệu được xây dựng lần này chủ yếu phục vụ cho phát triển năng lực số sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Trong đó, có thử nghiệm cho sinh viên ngành Quản lý thông tin trước khi mở rộng ra toàn trường và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với giấy phép CC BY SA, các tài liệu này được tự do chia sẻ, hoàn hoàn miễn phí, không bị ràng buộc bởi vấn đề bản quyền. Do vậy các trường đại học, cao đẳng trong cả nước có thể tham khảo các tài liệu này, chỉnh sửa, bổ sung để tạo ra những sản phẩm phái sinh tốt, chất lượng hơn và chúng tôi lại có thể học hỏi lại từ họ. Chúng tôi rất khuyến khích điều này để nhiều trường đại học cùng đồng hành phát triển năng lực số cho sinh viên Việt Nam.

- Ông kỳ vọng gì vào những cuốn sách này và có thông điệp gì cần nhắn gửi đến sinh viên?

- Đến nay, các cuốn sách đã có hàng nghìn lượt tải và chia sẻ. Tôi kỳ vọng các cuốn sách tiếp tục được lan toả rộng rãi, đặc biệt là tinh thần hợp tác thúc đẩy năng lực số cho sinh viên Việt Nam. Đây chỉ là kết quả ban đầu của một nhóm nghiên cứu, nhóm mong muốn được hợp tác với nhiều nhà khoa học, chuyên gia khác để phát triển một khung năng lực số quốc gia dành cho sinh viên, khung đánh giá năng lực số và các công cụ đánh giá toàn diện về năng lực số của sinh viên. Đây là công việc khó và cần nhiều nguồn lực.

Đối với sinh viên, trong thị trường lao động có tính cạnh tranh cao, ở thế giới phẳng, chúng ta sẽ gặp áp lực cạnh tranh không chỉ nguồn lao động trong nước, mà cả nguồn lao động quốc tế sẵn sàng tham gia thị trường lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng mở ra nhiều cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế cho các em. Do vậy, hãy chuẩn bị cho mình năng lực số thành thạo, chuyên môn vững và một ngoại ngữ để làm chủ “cuộc chơi”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Khái niệm và nội hàm về năng lực số vẫn còn có những tranh luận, do vậy mỗi khung năng lực số đều có cách tiếp cận riêng. Trong khung năng lực số mà chúng tôi đưa ra đã cố gắng tiếp cận hài hòa giữa kỹ năng sử dụng công nghệ với năng lực thông tin, giao tiếp, vai trò của công dân số, an sinh số… cũng như các phẩm chất cần có để sinh viên sống chủ động, tích cực trong môi trường số như: Năng lực thấu cảm, tư duy phản biện, sáng tạo và đổi mới”, TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ