Chuyển đổi số trong trường học:

Xóa khoảng cách công nghệ cho trò miền núi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhờ sáng tạo cùng nỗ lực không ngừng, các thầy cô đã mang “ánh sáng công nghệ” về với học sinh miền núi, “giúp núi rừng tiến kịp với miền xuôi.

Cô Nguyễn Đỗ Diệu An và học sinh. Ảnh: Lan Anh
Cô Nguyễn Đỗ Diệu An và học sinh. Ảnh: Lan Anh

Tìm phương pháp giảng dạy mới

Từ nhiều năm nay, thầy Bùi Minh Đức, giáo viên Trường Tiểu học & THCS Phú Lương (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã nỗ lực tìm kiếm cơ hội, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, góp phần mang những môn học thời công nghệ 4.0 như lập trình, STEM đến với học sinh dân tộc thiểu số.

Thầy Đức cho biết, học môn Tin học, nhiều học sinh dân tộc còn nhút nhát, chưa tự tin khi ngồi trước máy vi tính. Nếu giảng bài theo cách truyền thống, các em khó tiếp thu và không hiệu quả trong hoạt động học tập. Từ đó, thầy đã nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng bài mới, khoa học, logic để tạo hứng thú và kích thích tư duy ở trò.

Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, vào các buổi chiều, ngoại khóa, thầy Đức dành thời gian cùng thành viên trong câu lạc bộ Tin học học hỏi có thêm các kỹ năng, tư duy logic. Thầy xây dựng các bài giảng và chủ đề phù hợp để trò thực hiện và trao đổi, cùng nhau giải quyết. Từ đây nhiều em đã đam mê lập trình, đặc biệt là lập trình kéo thả Scratch.

Một trong những nội dung mà thầy Đức triển khai là lập trình Scratch. Ban đầu, thầy dạy cho một nhóm học sinh rồi đến từng lớp, khối. Đồng thời thầy chọn em có khả năng tư duy logic, kỹ năng lập trình để thành lập câu lạc bộ Tin học của trường. Chỉ với những khối lệnh đơn giản, học sinh đã có thể tạo ra một chương trình của riêng mình, vừa để học tập vừa để giải trí.

Với kiến thức của mỗi khối học, thầy cũng linh hoạt lồng ghép bài giảng điện tử PowerPoint, công cụ hỗ trợ giảng dạy Wheelofnames để truyền đạt nội dung đến từng học sinh. Thầy cũng mạnh dạn sử dụng các ứng dụng Kahoot và Google form để kiểm tra đánh giá học trò thông qua câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức của từng chủ đề, bài học.

Sau khi được tập huấn về thiết bị mạch Microbit, thầy cùng học sinh có tiết học về STEM thú vị. Các em được lập trình hiển thị nhiệt độ môi trường, mức sáng hiện tại, đo độ ẩm của đất, làm một số dự án về cảnh báo chống trộm, cảnh báo an toàn giao thông, an toàn khí gas, mũ thông minh cảnh báo ngủ gật... Hầu hết, học sinh rất hứng thú và vui vẻ tiếp nhận bài học.

Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Phú Lương kể về đồng nghiệp của mình: Thầy Bùi Minh Đức luôn nhiệt tình, năng nổ, được đồng nghiệp yêu quý, học sinh kính trọng, phụ huynh tin tưởng. Trong quá trình công tác, thầy đạt được nhiều phần thưởng, danh hiệu cấp trường, huyện. Những sáng kiến của thầy đã giúp học sinh học Tin học hiệu quả.

Cụ thể, 2 sáng kiến: Vận dụng phần mềm Scratch để gây hứng thú trong các giờ khởi động, ôn tập ở môn Tin học lớp 8; tăng cường kỹ năng lập trình cho học sinh dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ lập trình Scratch thông qua buổi học ngoại khóa được áp dụng thành công trong nhà trường, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy Tin học. Những sáng kiến này được áp dụng rộng rãi, lan tỏa đến các trường trong huyện.

Thầy Bùi Minh Đức hướng dẫn học sinh thực hành Tin học. Ảnh: Lan Anh

Thầy Bùi Minh Đức hướng dẫn học sinh thực hành Tin học. Ảnh: Lan Anh

Luyện học sinh miền núi thi học sinh giỏi

Là giáo viên Tin học ở một địa phương còn nhiều khó khăn, cô Nguyễn Đỗ Diệu An - Trường Tiểu học Chu Văn An (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) luôn tâm huyết với nghề, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Từ việc đồng hành, thấu hiểu về điều kiện của học sinh, nữ nhà giáo đã nghiên cứu và thực hiện nhiều đề tài, giải pháp nâng cao chất lượng dạy học.

Cụ thể, giải pháp “Một số biện pháp giúp học sinh vẽ tốt các hình trang trí trong phần mềm logo cho học sinh lớp 5” của cô được công nhận có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp huyện. Sau khi thực hiện, 100% học sinh biết sử dụng phần mềm để vẽ trong các tiết thực hành tin học, giúp giờ học sinh động, khơi dậy tính sáng tạo khoa học trong trò.

Cùng với đó là giải pháp “Sáng kiến dạy học sinh lớp 4, 5 giải toán dãy số trong Scratch ở Trường Tiểu học Chu Văn An” được cô thực hiện trong năm học 2022 - 2023. Sau khi thực hiện giải pháp, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, hứng thú trong học tập cũng như các hoạt động tập thể cùng giáo viên và các bạn; tạo cho trẻ niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo.

Bước vào năm thứ 10 gắn bó với sự nghiệp trồng người cũng là chừng đó thời gian cô Nguyễn Đỗ Diệu An đồng hành cùng công tác ôn thi học sinh giỏi. Năm nào cô cũng có học sinh đạt giải cấp tỉnh, huyện. Năm 2016, cô Diệu An ôn luyện cho 7 em thi Toán ViOlympic thì 7 em đều đoạt giải cao, trong đó 1 em đoạt giải Nhất, 3 em đoạt giải Nhì và 3 em đoạt giải Ba.

Từ năm học 2019 - 2020, cô Diệu An được phân công ôn thi Tin học trẻ. Nhờ đó, danh sách học sinh đoạt giải của Trường Tiểu học Chu Văn An cũng được nối dài thêm với những cái tên cùng thành tích nổi bật: Em Nguyễn Nhân Sinh đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh; em Nguyễn Thành Trung đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp quốc gia; em Âu Gia Hân đoạt giải Ba cấp tỉnh, em Tăng Chấn Hưng đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh...

Âu Gia Hân - học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An - cho biết, cô Diệu An luôn nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm học trò có tiềm năng về Tin học. Cô thành lập đội tuyển tham gia thi Tin học trẻ để khẳng định, dù học sinh ở vùng khó nhưng nếu cố gắng cũng giỏi không thua kém các bạn ở thành phố. Đối với cô, mỗi học sinh đoạt giải là một niềm vui lớn.

Cô Thiều Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An - nhận xét, dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng nỗ lực của mình cô Diệu An đã truyền thêm động lực, cảm hứng cho học sinh không ngại ngần tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.