Chuyển đổi số trong trường học: Cơ hội để giáo viên 'làm mới' mình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, học sinh đã đến trường nhưng công tác chuyển đổi số trong các trường học vẫn diễn ra đa dạng, phong phú.

Cô Đào Vân Trang và học sinh Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng sử dụng hiệu ứng bảng tương tác thông minh hiệu quả trong giờ dạy Tiếng Anh. Ảnh: NVCC
Cô Đào Vân Trang và học sinh Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng sử dụng hiệu ứng bảng tương tác thông minh hiệu quả trong giờ dạy Tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Nâng chất lượng đội ngũ

Công tác tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) từ năm 2014, cô Nguyễn Huyền Trang đã tham gia nhiều đợt tập huấn về chuyển đổi số do nhà trường cũng như quận/thành phố tổ chức. Ngoài kiến thức cơ bản về chuyển đổi số trong giáo dục, cô Trang được trải nghiệm, dạy trực tiếp tại phòng học có lắp đặt thiết bị dạy học thông minh.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng triển khai mô hình “lớp học thông minh” bằng việc bố trí camera ghi hình trực tiếp. Nếu học sinh vì lý do khách quan không thể tới lớp có thể theo dõi lại bài học ngày hôm đó tại nhà. Tất cả dữ liệu dạy học hằng ngày được đồng bộ lên hệ thống online của trường. Ngoài ra, nhà trường cũng triển khai mô hình “thư viện số” với nhiều đầu sách điện tử dưới dạng file PDF để phục vụ học sinh.

Cùng một mã sách nhưng nhiều em có thể vào đọc cùng lúc trên các thiết bị thông minh. Vì vậy, thư viện không cần quá nhiều sách để lưu trữ mà sẽ dần chuyển sang dạng tài liệu trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường đã tạo ra những bài tập trắc nghiệm và tự luận, học sinh có thể nộp bài cho cô dưới dạng file mềm.

“Từ cơ sở lý luận đi vào thực tiễn, yêu cầu đầu tiên là vấn đề nhận thức của chính đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Chương trình mới rất hay nhưng độ mở cũng cao, để triển khai tốt phụ thuộc rất lớn vào giáo viên. Với Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, vì đang áp dụng mô hình trường chất lượng cao nên giáo viên chủ động trong tiếp cận công nghệ vào giảng dạy. Năm thứ 3 triển khai chương trình mới, thầy cô đã quen với quy trình để vận hành, đem lại hiệu quả dạy và học”, cô Lê Thị Thu Hường cho biết thêm.

Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng - nhấn mạnh, là một trong các cơ sở giáo dục chất lượng cao của thành phố với sĩ số không quá 30 học sinh/lớp, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Quá trình ứng dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục được trường đặc biệt quan tâm. Trong đó, công nghệ dẫu hiện đại, tiện dụng đến mấy vẫn phụ thuộc vào khả năng sử dụng của giáo viên.

Do đó, thầy cô phải lựa chọn công nghệ phù hợp vào giảng dạy chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Hơn nữa, trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018, để tăng hiệu quả dạy học cần có sự kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh minh họa, chuyển động ảo cũng như hoạt động khác cho học sinh dễ tiếp thu hơn.

“Dịch chuyển” trong tư duy - cách làm

Để trang bị kỹ năng cho công dân tương lai, Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ nhiều năm trước đã chú trọng đầu tư cho chuyển đổi số trong nhiều hoạt động giáo dục đào tạo. Do đó, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc dạy - học của thầy trò vẫn diễn ra thuận lợi.

Đến nay khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số và giáo dục kỹ năng công nghệ vẫn tiếp tục là định hướng lâu dài của nhà trường. Qua đó, học sinh và đội ngũ giáo viên, nhân viên có thể làm chủ kỹ năng công nghệ cần thiết để nâng cao hiệu suất công việc, đồng thời mở rộng kết nối tới các trường trên thế giới. Giáo viên được giảm áp lực về giấy tờ để tập trung cho chuyên môn.

Cô Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Olympia. Ảnh: NVCC

Cô Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Olympia. Ảnh: NVCC

Cô Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Olympia, cho hay, chuyển đổi số không chỉ là đưa các thiết bị thông minh, công nghệ tiên tiến vào lớp học, mà còn là sự “dịch chuyển” trong tư duy - cách làm của thầy trò để biến những công cụ trên thành giải pháp giúp việc dạy và học trở nên thú vị, trực quan và hiệu quả hơn.

Những bảo tàng thực tế ảo “Dời đô - Quyết định vượt thời đại” - nơi trưng bày các tác phẩm hội họa, poster, bài thuyết trình của Olympians khối 7 về lịch sử - văn học - mỹ thuật Việt Nam thế kỷ X - XV; những tiết học xuyên biên giới trong dự án Glocal Connect; Đọc to kết nối thế giới - Global read aloud - kết nối với các trường học, chuyên gia đến từ các đại học nổi tiếng ở Australia, New Zealand… đã mang lại cảm hứng và hiệu quả học tập tích cực cho học sinh.

Nhờ chuyển đổi số, việc cá nhân hóa chuyện học của học sinh và phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường cũng thuận lợi, chất lượng hơn. Ngoài Microsoft Teams, nhà trường còn triển khai nhiều phần mềm học tập quốc tế và tương tác khác như Canvas, SIS giúp tăng trải nghiệm và hiệu quả kết nối cộng đồng nhà trường.

Cùng với phần mềm Canvas mà nhiều đại học trên thế giới đang sử dụng, Olympia từng bước tạo dựng cho học sinh tư duy nghiên cứu - tổng hợp, thói quen học tập như đọc trước tài liệu ở nhà, thảo luận và đào sâu kiến thức trên lớp, sau đó đúc kết - phản biện để rút ra giá trị cho bản thân.

Những kỹ năng này không chỉ giúp các em học tập hiệu quả và thực chất hơn, mà còn là nền tảng tạo ra chất lượng cho những công việc các em sẽ thực hiện ở bậc học tiếp theo cũng như khi đi làm. “Quá trình chuyển đổi số giúp giáo viên tự “làm mới” mình và thậm chí học hỏi từ học trò”, cô Thu Hương nhìn nhận.

Theo đuổi triết lý về trường học hạnh phúc, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - thấy rằng, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nhà trường sẽ giúp thầy cô hạnh phúc hơn bởi bớt đi nhiều áp lực về công việc, tăng hiệu quả và năng suất lao động.

“Nhà trường đã tiên phong triển khai dạy học trực tuyến từ khi chưa có các phần mềm như Zoom, Google Meeting mà theo dạng “Face to Face”, được Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc về tận trường ghi nhận và đánh giá cao. Hiện nhà trường sử dụng phần mềm Class Dojo (trong kiểm tra, đánh giá) và VioEdu.vn để tạo bài kiểm tra trực tuyến cho học sinh”, thầy Đào Chí Mạnh thông tin.

Theo thầy Đào Chí Mạnh, dạy học trực tuyến có tác dụng minh bạch hóa quá trình dạy học, phụ huynh có thể biết được thầy dạy ra sao và trò học thế nào. Hơn nữa, dạy học trực tuyến cũng nâng cao năng lực tự học cho học sinh. Do đó, quá trình chuyển đổi số trong trường học dẫu còn nhiều khó khăn nhưng nếu biết thực hiện linh hoạt vẫn đem lại hiệu quả tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.