Những chuyện không quên về nhà văn Vũ Bão

Những chuyện không quên về nhà văn Vũ Bão

(GD&TĐ) - Tôi không nhớ thật chính xác đã gặp và quen nhà văn Vũ Bão vào thời gian nào, có lẽ là vào năm 1973 – 1974. Khi đó tôi đang công tác tại Hội văn nghệ dân gian Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo, hàng ngày sang ăn cơm tập thể tại bếp ăn của Hội Liên hiệp Văn học – nghệ thuật Việt Nam ở 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Cứ chiều chiều tôi lại thấy một người đàn ông khoảng trên dưới 40 tuổi đi một chiếc xe đạp cũ, sau xe buộc một chiếc bao tải cũng cũ đến xin xỉ than ở bếp ăn.

Ấn tượng ban đầu

Nhà văn Vũ Bão
Nhà văn Vũ Bão
 

Trông ông không sang trọng nhưng cũng không phải là người lam lũ. Sự cần mẫn và ánh mắt thông minh, giễu cợt, đầy tinh quái đã khiến tôi phải tìm cách làm quen với ông.

Thì ra đó là nhà văn Vũ Bão, người mà tôi đã từng nghe nói nhiều và đọc tiểu thuyết “Sắp cưới” của ông khi còn học ở khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Khi ấy “Sắp cưới” còn bị cấm – nói cho sang trọng là sách đọc nghiên cứu, chỉ sinh viên từ năm thứ ba mới được đọc.

Ông bảo nhà ông ở dưới Mai Hương, Thanh Nhàn gì đó, nhà cấp bốn, lại gần một cái ao. Ông chỉ xin xỉ than để đóng gạch papanh làm nhà và lấp dần cái ao nới rộng diện tích.

Khi đó còn sống độc thân, lại được cơ quan phân cho một căn phòng 6m2, nên tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện nhà cửa.

Về sau nghe nói cứ cần cù, nhẫn nại như vậy sau vài năm Vũ Bão đã đủ gạch để xây một cái nhà và nới rộng diện tích được hàng chục mét vuông nhờ làm cái việc tưởng như là “dã tràng xe cát” kia!

Khi ấy kinh tế rất khó khăn, nhiều gia đình cán bộ ở Hà Nội phải nuôi lợn để cải thiện (người ta đã nói vui: hạnh phúc nhất là có bạn lớn, nói lái của lợn bạn!). Gia đình Vũ Bão cũng nuôi lợn. Ông bảo vợ ông là bác sĩ, khi lợn ốm là bà lo sốt vó, cũng chăm sóc, thuốc men chẳng kém gì người.

Lần ấy con lợn ốm nặng, trời rét nhà chỉ có cái chăn chiên mà vợ lại đem đắp cho lợn. Vũ Bão cáu: “Thế cô coi lợn hơn tôi à!”. Bà vợ nói như mếu: “Khổ quá! Không phải thế! Nhưng anh cảm cúm rồi anh lại khỏi. Còn nhỡ con lợn nó chết, thì mất cả vốn lẫn lãi, lấy gì mà sống!”.

Vũ Bão còn kể, nhà chật làm gì có chỗ để làm chuồng riêng, thế là nuôi lợn ngay dưới gầm giường. Người ta cứ bảo “bẩn như lợn” thế là oan cho nó. Thực ra lợn rất sạch, Vũ Bão đã huấn luyện được lợn ị, tè đúng chỗ và đúng giờ, cho nên mặc dù nuôi lợn dưới gầm giường nhưng vẫn không bị hôi hám. Ông còn kể, người ta bảo “ngu như lợn” cũng sai toét.

Thực ra lợn rất thông minh. Sáng sáng Vũ Bão thường chạy tập thể dục ở cái ngõ nhỏ trước nhà, lợn ta cũng bắt chước chủ, vừa chạy thể dục vừa kêu eng éc nghe vui đáo để. Tất cả những chuyện ấy đều do ông kể, chẳng biết thật hay Vũ Bão bịa ra, nhưng lúc ấy tôi nghe một cách mê ly và tin sái cổ.

Sau này Vũ Bão chuyển sang công tác ở Ủy ban Thể dục Thể thao, rồi về báo Điện ảnh. Thời gian này tôi ít có dịp được gặp ông.

Chỉ từ khi ông nghỉ hưu chúng tôi mới gặp nhau nhiều hơn. Khi thì trong chuyến đi thực tế do một tờ báo địa phương tổ chức, khi thì ông đến cơ quan tôi chơi, nhiều khi anh em gặp nhau ở dọc đường.

Không ít lần chúng tôi đứng nói chuyện với nhau ở vỉa hè phố Trần Hưng Đạo, hoặc Bà Triệu đến một tiếng rưỡi đồng hồ, lúc hứng lên còn khoa tay múa chân loạn xạ, người đi đường trông thấy chắc buồn cười lắm.

Có lần tôi vừa đùa mà cũng là khích ông: “Này nghe nói trước đây người ta hành anh ghê lắm, thế mà bây giờ trong khi khối kẻ châm chích, đả kích thì anh lại bảo vệ chế độ ghê thế!”. Vũ Bão cười tủm tỉm: “Cậu chẳng hiểu gì cả, tớ bây giờ về hưu rồi, chỉ sống bằng lương hưu. Không bảo vệ, ai trả lương hưu cho mình?”.

Còn mãi tiếng cười ròn hồn hậu

Nói chuyện với Vũ Bão thường rất vui, vì ông thường lái câu chuyện về phía hài hước, nhưng lại rất trí tuệ và chí lý như vậy.

Trước khi ông mất ít lâu, tôi có phàn nàn với ông là một nghệ sĩ có tên tuổi, trong hồi ký lại kể cả chuyện ngủ với người yêu, trong đó có những người yêu ông, còn ông thì không yêu, như thế là bất nhẫn, thiếu tôn trọng và có khi còn phá hoại hạnh phúc gia đình của người ta.

Vũ Bão vẫn cười cười và chỉ tay vào một cô đồng nghiệp trẻ của tôi: “Này cô cẩn thận đấy nhé! Tớ gửi bài đến mà không in, sau này viết hồi ký tớ cứ viết là đã từng ngủ với cô. Tớ già rồi, chẳng ai làm gì được, chỉ có cô là chết!”.

Tất cả đều cười vui, không một lời phê phán, nhưng qua những lời nói bỗ bã ấy, mọi người đều rõ ông tỏ thái độ gì. Cách đây vài năm cuốn hồi ký thời trẻ của Vũ Bão “Rễ bèo chân sóng” mới ở dạng bản thảo, ông đã photo và đóng thành quyển mang đến tặng tôi.

Ông bảo: “Cho cậu đọc trước, sợ nó trục trặc chưa ra được”. Tôi cảm động lắm. Và cũng rất may cho Vũ Bão cuốn sách ra đời mà không hề hấn gì. Bản thảo cuối cùng mà Vũ Bão mang đến cho chúng tôi xem là “Utopi nhớ nhớ quên quên”.

Có thể nói đây là cuốn sách thể hiện rõ nét nhất, rực rỡ nhất nghệ thuật phóng đại và gây cười của Vũ Bão. Rất tiếc là ông không được nhìn mặt “Utopi nhớ nhớ quên quên” vì chỉ sau đó ít tháng, ông mất đột ngột trên đường đi công tác. (Sau này in thành sách, cuốn này được đổi tiên thành “Utopi một miếng để đời”).

Cuốn sách cuối cùng mà Vũ Bão tặng tôi là tập truyện ngắn “Hiệp sĩ” – NXB Thanh niên ấn hành năm 2005. Trong lời đề tặng Vũ Bão viết: “Thân mến tặng Trần Bảo Hưng, nhà tiên tri của Vũ Bão”. Tôi chưa kịp hỏi tại sao ông lại gọi tôi là nhà tiên tri thì ông đã đi xa mãi mãi.

Đến bây giờ tôi vẫn không thể quen được với sự thật đau lòng: ông đã vĩnh biệt chúng ta. Không ít lần tôi mường tượng tới ông, với dáng đi khập khiễng (vì di chứng sau xuất huyết não) và chiếc xe đạp cũ kỹ “vật bất ly thân” đang rong ruổi đâu đó trên thành phố thân quen này. Đấy, tiếng cười ròn rã mà hồn hậu của Vũ Bão đấy và ông đang mở cửa bước vào.

Trần Bảo Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ