Vị chuyên gia đặc biệt tâm đắc với những thay đổi trong mảng dạy – học ngoại ngữ tại các nhà trường.
Thứ nhất, đó là đổi mới rất lớn về quan điểm sử dụng sách. Trước kia, dùng một quyển sách, một giáo trình bắt buộc cho toàn quốc nhưng theo hướng mới.
Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Dự kiến chọn một số bộ sách để các Sở, các trường lựa chọn sử dụng. Chủ trương này mở đường cho việc nâng cao chất lượng dạy - học tại các nhà trường.
Bộ đã có những chương trình huấn luyện giáo viên một cách thực tiễn hơn, một là kế hoạch nâng cao trình độ giáo viên để đạt chuẩn và nâng chuẩn (B1, B2, C1). Điều này rất cơ bản vì trình độ giáo viên thấp thì không thể nói đến chất lượng được.
Hai là kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cho giáo viên toàn quốc, không đi sâu vào lý thuyết mà đưa ra những kỹ thuật cụ thể để tiến hành bài dạy trên lớp. Điều này rất hữu ích vì nó giúp người thầy thay đổi được những thói quen không hợp lý trong giảng dạy và giúp giáo viên tiếp cận với thời hiện đại, trực tiếp tác động tích cực đến việc học tập của học sinh.
Chủ trương tăng cường công nghệ trong nhà trường đã hỗ trợ rất tốt cho các đơn vị đào tạo có điều kiện phát triển công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo.
Hướng đầu tư huấn luyện giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ sử dụng tiếng Anh của giáo viên trên lớp là chủ trương rất đáng hoan nghênh. Giáo viên ngoại ngữ thay vì sử dụng tiếng Việt quá nhiều trong giờ dạy ngoại ngữ thì hiện nay đã tăng cường sử dụng tiếng Anh để dạy tiếng Anh, làm tăng tính hiệu quả của quá trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên.
Song song với đó, phương pháp giảng dạy của giáo viên đã tiến đến huấn luyện giáo viên xây dựng các bài dạy cụ thể trên lớp, cụ thể đến từng bước chứ không dừng lại ở lý thuyết như trước kia nữa.
Nhà giáo Nguyễn Quốc Hùng quan niệm: “Học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được”.
Chính vì vậy, ông cho rằng, chủ trương đổi mới giáo dục từ đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố then chốt và cũng là yếu tố quan trọng nhất nhằm nâng cao chất lượng. Tất cả những chuyển biến này sẽ mang lại hiệu ứng và hiệu quả tích cực cho quá trình giảng dạy trên lớp.
Một trong những chủ trương thiết thực để đẩy mạnh phổ biến môn ngoại ngữ đối với học sinh là ngoại ngữ trở thành một môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia. Ngay trong quá trình dự thảo, trong 3 phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra đều có môn ngoại ngữ. Điều này tạo ra động cơ và điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo cho cộng đồng tiếng Anh.
Chuyên gia Nguyễn Quốc Hùng cho rằng với sự ủng hộ của toàn xã hội trong thời gian vừa qua, để đổi mới căn bản toàn diện, Bộ GD&ĐT cần vững quyết tâm xây dựng và tạo ra một vài bộ sách chất lượng cho học sinh lựa chọn, (không riêng gì sách tiếng Anh), cùng hướng tới một tiêu chuẩn đầu ra.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng quy trình bồi dưỡng giáo viên - hoạt động tích cực và ý nghĩa - cần theo sát khi triển khai thực tế tại lớp học. Đây là việc thay đổi một thói quen giảng dạy truyền thống.
Đại đa số giáo viên khi tham gia các lớp bồi dưỡng đều nhận thức được sự thay đổi là tốt, là tích cực và đều có mong muốn được đổi mới, nhưng khi trở về với trường, với lớp thì cần thêm hệ thống giám sát để kiểm chứng những lĩnh hội lý thuyết của giáo viên khi áp dụng trong thực tế.
“Riêng môn tiếng Anh, hoàn toàn có thể thực hiện được việc xây dựng một số bộ sách để lựa chọn. Hiện tại, bộ sách tiếng Anh do Việt Nam viết đã rất tốt. Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đang làm nhiệm vụ tập hợp các bộ sách để chọn lựa. Tôi cho rằng kinh phí không phải là vấn đề khi nó làm nên chất lượng thực sự” – Vị chuyên gia tiếng Anh nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Quốc Hùng M.A nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Hà Nội). Tính đến nay, ông đã biên soạn 106 cuốn sách phục vụ giảng dạy và học tập tiếng Anh và xây dựng 656 bài dạy tiếng Anh phát sóng trên truyền hình.