Bài học về sự tranh đấu
Giáo viên Chiếu video “Cái kén bướm”. Đoạn video nói về một chàng trai nọ tìm thấy 1 cái kén bướm. Một hôm anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ. Anh ta ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình khỏi cái lỗ nhỏ xíu nhưng mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được. Vì thế, anh ta quyết định lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm.
Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn chàng thanh niên cứ ngồi quan sát với hi vọng thân hình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe rộng đủ để nâng đỡ thân hình chú.
Nhưng sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được.
Có một điều mà người thanh niên không thể hiểu: Cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.
Với đoạn video này, thầy Cao Đức Bình đã đưa ra những câu hỏi để học sinh cùng suy nghĩ, thảo luận: Trong cuộc sống đã khi nào bạn đóng vai trò nhân vật chàng trai như trong đoạn phim chưa?
Bạn có mong muốn mình được giúp đỡ như chú bướm nhỏ không? Bạn có suy nghĩ gì về giá trị của sự đấu tranh? Sự nỗ lực, cố gắng vượt qua áp lực của cuộc sống có tác dụng gì? Bạn có muốn mình có cuộc sống phẳng lặng, bình thường không?
Các HS thảo luận và suy nghĩ, đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. GV phân tích thêm nội dung, ý nghĩa của từng đáp án để các em hiểu rõ hơn từ đó rút ra được bài học cho bản thân và vận dụng vào cuộc sống.
Bài học rút ra từ đoạn video: Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn.
Với cách này, nhiều kỹ năng của học sinh được hình thành và củng cố, đó là:
Kỹ năng lắng nghe, quan sát: Được hình thành và củng cố thông qua hoạt động xem phim, nghe thuyết minh của phim.
Kỹ năng xác định giá trị:Được hình thành trong hoạt động học sinh xác định đượcnhững khó khăn, áp lực căng thẳng trước mắt chỉ là những thử thách, sự tôi luyện cho chúng ta trưởng thành hơn.
Kỹ năng nhận thức: Được hình thành và củng cố thông qua hoạt động học sinh nhận thức được rằng: Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống hãy cố gắng vượt qua bằng chính sức lực của mình, không cần sự giúp đỡ khi chưa thật sự cần thiết. Làm như vậy, sau này chúng ta mới có thể đứng vững bằng đôi chân của mình và hoạt động đúng như những gì bản thân mình có.
Bài học về sự lắng nghe
Giáo viên chiếu video “Con yêu mẹ”. Đoạn video có nội dung như sau: Người mẹ mệt mỏi trở về từ cửa hàng sau một ngày làm việc dài đằng đẵng, kéo lê túi hàng trên sàn bếp. Đang chờ bà là đứa con trai - David, 8 tuổi, đang lo lắng kể lại những gì mà cậu em làm ở nhà: “Lúc con đang chơi ngoài sân còn bố đang gọi điện thoại thì Tom lấy bút chì màu viết lên tường, lên tờ giấy dán tường mới mẹ dán trong phòng làm việc ấy! Con đã nói với nó là mẹ sẽ bực mình mà!”
Người mẹ than thở rồi nhíu lông mày: “Bây giờ nó đâu?”. Thế rồi bà bỏ hết hàng ở đó, sải bước vào phòng của đứa con trai nhỏ, nơi nó đang trốn. Bà gọi cả tên họ của đứa bé, mà ở các nước phương Tây, khi gọi cả tên lẫn họ như thế này là thường thể hiện sự tức giận.
Khi bà bước vào phòng, đứa bé run lên vì sợ, nó biết sắp có chuyện gì ghê gớm lắm. Trong 10 phút, người mẹ nguyền rủa con, là bà đã phải tiết kiệm thế nào và tờ giấy dán tường đắt ra sao! Sau khi rên rỉ về những việc phải làm để sửa lại tờ giấy, người mẹ kết tội đứa con là thiếu quan tâm đến người khác. Càng mắng mỏ con, bà càng thấy bực mình, cuối cùng bà ra khỏi phòng con, cảm thấy cáu đến phát điên!
Người mẹ chạy vào phòng làm việc để xác minh nỗi lo lắng của mình. Nhưng khi nhìn bức tường, đôi mắt bà tràn ngập nước mắt. Những gì bà đọc được như một mũi tên xuyên qua tâm hồn người mẹ.
Dòng chữ viết: “Con yêu mẹ” được viền bằng một trái tim! Và giờ đây bao thời gian trôi qua, tờ giấy dán tường vẫn ở đó, y như lúc người mẹ nhìn thấy, với một cái khung ảnh rỗng treo để bao bọc lấy nó.
Với video này, giáo viên đặt câu hỏi: Bạn đã bao giờ thể hiện tình cảm của mình với mẹ như cậu bé Tom chưa? Bạn có suy nghĩ gì về những hành động và lời nói của người mẹ ngay sau khi về nhà? Bạn có hoàn toàn trách bà mẹ không?
Vì sao người mẹ bật khóc? Vai trò của sự lắng nghe, thấu hiểu và nhìn nhận toàn diện vấn đề là gì? Cuối cùng, hành động của người mẹ như thế nào? Bà có trân trọng những gì mà con mình đã dành cho không?
Các HS thảo luận, đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. GV sẽ phân tích thêm nội dung, ý nghĩa của từng đáp án để các em hiểu rõ hơn từ đó rút ra được bài học cho bản thân và vận dụng vào cuộc sống.
Bài học rút ra từ đoạn video: Trước khi phán xét một điều gì đó thì hãy xem xét và suy nghĩ thật kĩ sự việc đó. Hãy biết lắng nghe và thấu hiểu mọi chuyện rồi hãy kết luận cũng chưa muộn. Nên giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, có như vậy chúng ta mới sáng suốt để giải quyết sự việc được tốt nhất.
Sau hoạt động này, học sinh được hình thành và củng cố các kỹ năng:
Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát: Được hình thành và củng cố thông qua hoạt động xem phim, nghe thuyết minh của phim.
Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lắng nghe: Được hình thành và củng cố thông qua hoạt động học sinh xem cách trình bày của Tom với người mẹ; cách lắng nghe của người mẹ.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc: Được hình thành thông qua chi tiết người mẹ giải quyết sự tức giận của mình khi chưa biết rõ sự việc.
Bài học về giá trị của niềm hy vọng
Giáo viên chiếu video “Câu chuyện về 4 ngọn nến”. Nội dung đoạn video như sau: Trong phòng tối, có bốn ngọn nến đang cháy. Xung quanh thật yên tĩnh, đến mức người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của chúng.
Ngọn nến thứ nhất nói: “Tôi là hiện thân của hòa bình”. Cuộc đời sẽ như thế nào nếu không có tôi? Tôi thực sự quan trọng cho mọi người.
Ngọn nến thứ hai lên tiếng: “Còn tôi là hiện thân của lòng trung thành”. Hơn tất cả, mọi người đều phải cần đến tôi.
Đến lượt mình, ngọn nến thứ ba nói: “Tôi là hiện thân của tình yêu” Tôi mới thực sự quan trọng. Hãy thử xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu đi tình yêu?
Đột nhiên, cánh cửa chợt mở tung, một cậu bé chạy vào phòng. Một cơn gió ùa theo làm tắt cả ba ngọn nến. “Tại sao cả ba ngọn nến lại tắt?” Cậu bé sửng sốt nói. Rồi cậu bé òa lên khóc.
Lúc này, ngọn nến thứ tư mới lên tiếng: “Đừng lo lắng, cậu bé. Khi tôi vẫn còn cháy thì vẫn có thể thắp sáng lại cả ba ngọn nến kia. Bởi vì tôi chính là niềm hi vọng. Lau những giọt nước mắt còn đọng lại, cậu bé lần lượt thắp sáng lại những ngọn nến vừa tắt bằng ngọn lửa của niềm hi vọng!
Giáo viên đặt các câu hỏi: Bạn mong muốn mình có ngọn nến nào trong 4 ngọn nến? Ngọn lửa của niềm hi vọng có giá trị như thế nào? Trong cuộc sống đã bao giờ bạn muốn có mọi thứ mà bạn chưa từng nghĩ đến mình cần “niềm hi vọng” chưa? Niềm hi vọng có phải là mơ ước hão huyền, viễn vông không?
Các học sinh thảo luận, đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. Giáo viên sẽ phân tích thêm nội dung, ý nghĩa của từng đáp án để các em hiểu rõ hơn từ đó rút ra được bài học cho bản thân và vận dụng vào cuộc sống.
Bài học rút ra từ đoạn video: Cho ta hiểu được giá trị đích thực của niềm hi vọng! Ngọn lửa của hi vọng sẽ luôn đi cùng các bạn suốt cuộc đời. Khi giữ được hi vọng, chúng ta có thể thắp sáng lại ngọn lửa của hòa bình, lòng trung thành và tình yêu! Hãy thắp sáng ngọn lửa hi vọng của mình và những người xung quanh bạn!
Với hoạt động này, các học sinh sẽ được hình thành và củng cố các kỹ năng:
Kỹ năng lắng nghe, quan sát: Được hình thành thông qua hoạt động xem phim, nghe thuyết minh của phim.
Kỹ năng xác đinh giá trị: Được hình thành thông qua nội dung học sinh hiểu về giá trị của sự hi vọng trong cuộc sống.
Bài học về sự thử thách
Giáo viên chiếu video “Cà rốt, trứng và cà phê”. Nội dung đoạn video như sau: Một cô gái trẻ nói với mẹ của mình rằng cuộc sống thật khó khăn. Cô không biết sẽ tiếp tục như thế nào. Cô muốn buông xuôi vì đã quá mệt mỏi khi mãi phải đấu tranh. Mẹ cô gái sau khi nghe con nói bèn đưa cô vào bếp. Bà đổ đầy nước vào ba cái bình và đun sôi.
Trong chiếc bình đầu tiên, bà đặt vào những củ cà rốt, trong chiếc thứ hai bà đặt những quả trứng, và trong chiếc cuối cùng bà đặt những hạt cà phê nghiền. Sau đó bà tiếp tục nấu sôi ba chiếc bình và không nói một lời nào.
Khoảng 20 phút sau, bà tắt lửa. Bà vớt những củ cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát. Bà lấy những quả trứng ra và đặt vào một cái bát khác. Bà lại lấy muôi múc cà phê ra và đặt vào cái bát thứ ba. Quay sang cô con gái, bà hỏi: “Nào, con hãy nói cho mẹ biết, con nhìn thấy gì?” “Dạ, cà rốt, trứng và cà phê”. Cô con gái trả lời rồi hỏi: “Mẹ, điều đó có nghĩa là gì?”.
Bà mẹ giải thích rằng mỗi một thứ trong đó đã gặp điều kiện khó khăn như nhau, đó là nước sôi. Mỗi thứ có phản ứng khác nhau. Cà rốt khi chưa bỏ vào nước thì cứng, rắn và dai. Tuy nhiên, sau khi bị bỏ vào nước sôi, nó mềm đi và trở nên yếu ớt.
Quả trứng vốn rất dễ vỡ. Lớp vỏ ngoài mỏng manh của nó đã bảo vệ lớp chất lỏng bên trong nó, nhưng sau khi được đặt vào trong nước sôi, phần bên trong quả trứng cứng lại. Những hột cà phê nghiền thì khác. Sau khi bị bỏ vào nước sôi, chúng đã biến đổi nước.
“Con là gì?” bà mẹ hỏi cô con gái. “Khi một hoàn cảnh bất lợi gõ cửa nhà con, con sẽ phản ứng thế nào? Con là củ cà rốt, quả trứng hay hột cà phê?”
Người mẹ giải thích tỉ mỉ cho cô con gái: “Con là củ cà rốt, dường như rất mạnh mẽ, nhưng khi gặp hoàn cảnh bất lợi, con yếu mềm và mất đi sức mạnh? Hay con là quả trứng bắt đầu với một trái tim mềm yếu nhưng qua khó khăn lại trở nên cứng rắn? Một số người dễ bị lung lay tinh thần, nhưng sau một cái chết, sự chia ly, những khó khăn về tài chính, họ trở nên cứng nhắc, mặc dù cái vỏ bên ngoài vẫn thế.
Hoặc có thể con giống cà phê. Cà phê thực sự làm thay đổi nước nóng, chính là thay đổi hoàn cảnh mang lại nỗi đau. Khi nước bị nóng, cà phê tỏa ra hương vị của nó. Nếu con giống như cà phê, con sẽ sống tốt đẹp hơn và có thể thay đổi tình thế xung quanh con, khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ nhất.
Trước những ngày tháng đen tối nhất và trước những thử thách cam go nhất, con người sẽ nâng bản thân mình lên một tầm cao mới. Sau này khi con gặp hoàn cảnh bất lợi, nhớ tự hỏi mình: “Tôi sẽ là cà rốt, trứng hay cà phê?”
Giáo viên đưa câu hỏi: Hình ảnh 3 bình nước sôi tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống của bạn? Vì sao khi cho vào nước sôi, cà rốt, trứng và cà phê có phản ứng khác nhau? Khi gặp hoàn cảnh bất lợi trong cuộc sống, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn sẽ giống như cà rốt, trứng hay cà phê? Bạn muốn mình là cà rốt, trứng hay cà phê? Những khó khăn trong cuộc sống có phải lúc nào cũng gây bất lợi cho chúng ta?
Các HS thảo luận, đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. GV sẽ phân tích thêm nội dung, ý nghĩa của từng đáp án để các em hiểu rõ hơn từ đó rút ra được bài học cho bản thân và vận dụng vào cuộc sống.
Bài học rút ra từ đoạn phim: Trước những ngày tháng đen tối nhất và trước những thử thách cam go nhất, mỗi người sẽ nâng bản thân mình lên một tầm cao mới. Sau này khi con gặp hoàn cảnh bất lợi không nên nản trí mềm lòng, hãy tin rằng những khó khăn trước mắt là những thử thách và trải nghiệm tốt nhất cho cuộc sống sau này.
Với hoạt động này, học sinh được hình thành và củng cố các kỹ năng:
Kỹ năng lắng nghe, quan sát: Được hình thành thông qua hoạt động xem phim, nghe thuyết minh của phim.
Kỹ năng xác định giá trị: Được hình thành trong hoạt động học sinh xác định được những khó khăn trước mắt là những thử thách và trải nghiệm tốt nhất cho cuộc sống sau này.
Kỹ năng ứng phó với căng thẳng: Được hình thành trong hoạt động học sinh xác định rằng: Trong những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn không nên quá căng thẳng mà hãy bình tĩnh để tìm ra cách giải quyết tốt nhất.