Nhóm sinh viên khởi nghiệp từ điều giản dị

GD&TĐ - Mong muốn ý tưởng nghiên cứu và khởi nghiệp của mình thực tế, bám vào đời sống sinh hoạt thường ngày, nhóm SV Trường ĐH Trà Vinh đã “3 cùng” với người dân để chế tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn cao.  

Phạm An Dương Khang (bên trái) thực hành trong phòng thí nghiệm.
Phạm An Dương Khang (bên trái) thực hành trong phòng thí nghiệm.

Chế phẩm sinh học chứa nano kẽm

Đây là dự án của nhóm tác giả Phạm An Dương Khang (SV lớp ĐH Kỹ thuật Hóa học khóa 2015), Nguyễn Văn Phương (cựu SV ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học) và Lương Mạnh Dương (cựu SV ngành Quản trị Kinh doanh).

Với dự án này, nhóm tác giả mong muốnsản xuất và cung cấp chế phẩm sinh học chứa nano kẽm phòng trừ các loại nấm bệnh và vi khuẩn trên cây ăn quả. Sản phẩm mang tên NOZ được đóng chai với dung tích 500ml.

Tác giả Phạm An Dương Khang, chủ nhiệm đề tài cho biết: Miền Tây Nam Bộ là vùng trồng cây ăn trái lớn, người dân thường xuyên sử dụng chế phẩm để phòng trừ nấm bệnh và vi khuẩn nhưng cũng phải thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng, không tác động xấu đến sức khỏe người sử dụng…

“Để sản phẩm phát huy hiệu quả cao nhất, trong quá trình thực hiện và thử nghiệm, nhóm hỗ trợ tư vấn cho người dân cách sử dụng”, Khang chia sẻ.

Đánh giá ban đầu của người dân sau khi sử dụng chế phẩm sinh học chứa nano kẽm cho thấy, sản phẩm có thể phòng trừ nấm bệnh, vi khuẩn trên cây trồng một cách hiệu quả thông qua hoạt tính chống oxy hóa của lá cây và tính chất đặc hiệu (vật liệu nano), không độc hại cho người sử dụng, thân thiện môi trường.

Đồng hành với người nuôi tôm

Từ thực trạng bật tắt quạt nước tạo oxy cho tôm chủ yếu là bằng tay và quy trình lắp đặt chưa đúng kỹ thuật gây ra tai nạn điện thương tâm, nhóm tác giả tạo ra sản phẩm Điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm công nghiệp.

Sản phẩm được kỳ vọng tạo sự an toàn cho người sử dụng ngay trong điều kiện thời tiết mưa gió, nắng nóng hoặc đêm tối; Đồng thời tiết kiệm công lao động, chi phí thuê nhân công và có thể áp dụng mở rộng hệ thống với các yêu cầu tự động hóa ở các lĩnh vực khác.

Chia sẻ tính hiệu quả của dự án, bạn Trần Phước Đạt, chủ nhiệm đề tài trao đổi: Nguồn nguyên liệu sử dụng trong các dự án giá rẻ, dồi dào, sẵn có ở các địa phương. Hơn nữa, dự án nhận được sự hỗ trợ của anh chị đi trước về kỹ thuật nên tiệm cận với công nghệ mới, đáp ứng quy định kiểm định chất lượng…

Với lợi thế về chi phí, tính khả thi, dự án của Trần Phước Đạt tham gia cuộc thi Startup 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức và được chọn vào vòng chung kết. Tác giả dự án cũng được BCH Tỉnh Đoàn Trà Vinh tặng Bằng khen trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm nay.

Một tin vui đến với cả hai nhóm, đề tài Chế phẩm sinh học chứa nano kẽm cùng với Điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm công nghiệp đều lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” - SV.STARTUP 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Đại diện dự án “Điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm công nghiệp”, Trần Phước Đạt bày tỏ: Dự án được đi tiếp vào vòng trong là niềm vui lớn với nhóm. Nhưng hạnh phúc hơn cả có lẽ là giá trị thực tiễn dự án mang đến cho người dân.

Còn đại diện cho nhóm Chế phẩm sinh học chứa nano kẽm cũng mong muốn chế phẩm sẽ giúp giảm thiểu tác hại của nấm, vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh trên cây trồng cho các hộ nông dân ở địa phương và cả nước trước tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu gây nên. 

Trường luôn là điểm tựa để sinh viên phát huy khả năng nghiên cứu. Từ những ý tưởng dường như nhỏ nhất, giản dị nhất nhưng qua con mắt của sinh viên đã trở thành vật dụng có giá trị thực tiễn cao. Đó là thành công ban đầu trên hành trình nghiên cứu khoa học của các em - PGS. TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ