Nhóm kỹ năng nghề cần có cho lao động trẻ

GD&TĐ - Đại dịch đang ảnh hưởng rất lớn tới việc làm toàn cầu. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nâng cao kỹ năng cho thanh niên, giúp họ thích ứng với thế giới việc làm có nhiều biến đổi.

Diễn đàn “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam” bàn về vấn đề nâng tầm lao động cho thanh niên Việt Nam.
Diễn đàn “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam” bàn về vấn đề nâng tầm lao động cho thanh niên Việt Nam.

Dịch bệnh thúc đẩy chuyển đổi kỹ năng nghề

Thế giới đang đối mặt với một loạt thách thức như dịch bệnh, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đó, vấn đề duy trì và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển nâng tầm kỹ năng lao động cho lao động là thanh niên trẻ được xác định là trọng tâm.

Nội dung này cũng được đưa ra bàn luận trong diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm chủ đề “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-T&XH Lê Tấn Dũng cho biết, để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động. Phải coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

“Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Nhưng muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ” - Thứ trưởng Bộ LĐ-T&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, có 50% lao động Việt Nam cần đào tạo, đào tạo lại. Lao động thanh niên là lực lượng lao động chủ chốt, sẽ là lực lượng đi đầu trong việc tiếp cận thông tin và đào tạo kỹ năng nghề, nhưng hiện nay vẫn còn ít được quan tâm.

Covid-19 và cách mạng 4.0 là “cú sốc kép” đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.

Mặt khác, hai cú sốc đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và kỹ năng nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Việc làm bị mất đi trong những ngành công nghiệp cũ đã lạc hậu dự báo sẽ được thay thế bằng việc làm mới trong những ngành kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển.

Ông Srinivas B Reddy - Giám đốc Toàn cầu về kỹ năng và việc làm của Tổ chức lao động thế giới (ILO) cho rằng, Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho lao động, nhất là lao động trẻ, không có kỹ năng. “Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, dịch bệnh thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ năng trong thanh niên”, ông B Reddy nói.

Ông B Reddy cũng cho biết, thanh niên trẻ đang là lực lượng lao động có trình độ học vấn cao nhất trong các nhóm lao động ở Việt Nam. Họ cũng là người có khả năng thích ứng tốt nhất với sự thay đổi từ thế giới việc làm.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, rõ ràng thanh niên đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường lao động, nhất là khi số lượng việc làm mới đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao. Cần hỗ trợ toàn diện để họ thích ứng với thị trường lao động”, ông B Reddy nhấn mạnh.

Nắm vững các nhóm kỹ năng nghề cơ bản

Bà Park Mihyung - Trưởng đại diện Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho biết, thanh niên là lực lượng chiếm tỷ lệ lao động di cư nhiều nhất. Nhiều thanh niên cho rằng, di cư tìm việc làm là kênh sinh kế tốt nhất. Trước khi có đại dịch Covid-19, số lượng lao động di cư là rất lớn.

Bà Park Mihyung cho rằng: “Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ tới sinh kế của người dân. Mất việc làm, cuộc sống bị đe dọa sẽ làm tăng nhu cầu di cư nội địa và di cư quốc tế”.

Chính bởi vậy, cần có nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ lao động nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ để thúc đẩy di cư an toàn. Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đã nêu thực trạng, nâng tầm kỹ năng cho thanh niên Việt Nam.

Ông Trường cho biết, Việt Nam hiện có hơn 51,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó chỉ có 26% lao động qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ. 74% lao động còn lại chưa được đào tạo, cấp văn bằng.

Hiện nay, cả nước có khoảng 13 triệu người đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Lao động nông thôn bị ảnh hưởng nhiều hơn ở thành phố, khoảng 75% lao động nông thôn bị ảnh hưởng. Lao động thất nghiệp vào khoảng 1,2 triệu người, đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Chí Trường: “Thanh niên, lao động nói chung cần phải nắm vững các nhóm kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thích ứng nghề nghiệp, kỹ năng ứng dụng kỹ năng số, kỹ năng an toàn lao động, kỹ năng rèn luyện sức khỏe, kỹ năng đạo đức nghề nghiệp...”.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, nhân lực, nhân lực kỹ năng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hội nhập. Trong bối cảnh chuyển đổi số, dịch Covid-19 càng cần phải đẩy mạnh nâng cao kỹ năng cho lao động, nhất là lao động trẻ.

“Điều này cho thấy, để nâng cao kỹ năng cho thanh niên, kỹ năng cho lao động nói chung thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Chính phủ cần huy động nguồn lực tài chính, hợp tác các tổ chức, nâng cao, đầu tư cho người học, người dạy”, ông Dũng kiến nghị. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại lao động với chi phí hơn 800 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, số tiền này quá lớn và không phù hợp với điều kiện đất nước còn khó khăn, nhất là thời điểm đang ảnh hưởng bởi dịch covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.