Tiến sĩ cũng phải học kỹ năng nghề

GD&TĐ - Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, việc đề nghị nhà trường phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với 306 nhà giáo để đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề là theo đúng quy định.

Tiến sĩ, thạc sĩ chưa đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề phải được đào tạo để đạt chuẩn theo quy định. Ảnh minh họa
Tiến sĩ, thạc sĩ chưa đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề phải được đào tạo để đạt chuẩn theo quy định. Ảnh minh họa

Phải có chứng chỉ kỹ năng nghề

Trước đó, Báo Giáo dục và Thời đại đã đăng tải bài viết liên quan đến kết luận của Vụ Pháp chế - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) về 306 giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Trong đó, nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ chưa đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề phải được đào tạo để đạt chuẩn theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trả lời về căn cứ để Vụ Pháp chế - Thanh tra đưa ra kết luận trên. Theo đó, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp dẫn ra các điều khoản trong Luật Giáo dục nghề nghiệp:

Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, trong đó quy định rõ “Nhà giáo dạy thực hành trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề”.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 17 và Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 32 của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định rõ:

Nhà giáo dạy thực hành hoặc tích hợp trình độ trung cấp phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2 hoặc chứng nhận bậc thợ 4/7, 3/6. Hoặc chứng nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú trở lên. Hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề. Hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc tương đương để giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ trung cấp.

Nhà giáo dạy thực hành hoặc tích hợp trình độ cao đẳng phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 hoặc chứng nhận bậc thợ 5/7, 4/6 trở lên. Hoặc chứng nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân. Hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề. Hoặc tương đương để giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ cao đẳng.

Như vậy, 306 nhà giáo nhà trường phân công, bố trí giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp, tích hợp liên môn trong chương trình đào tạo của từng ngành, nghề phải đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề.

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng khẳng định: Trường có 306 nhà giáo được bố trí, phân công giảng dạy 19 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 15 ngành, nghề trình độ trung cấp. Không có nhà giáo nào đủ hồ sơ chứng minh đạt chuẩn về trình độ kỹ năng để giảng dạy các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định tại Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 17.

“Và tại Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 32, nhà trường báo cáo không bố trí riêng nhà giáo để giảng dạy lý thuyết, trừ nhà giáo giảng dạy các môn học chung. Như vậy, căn cứ hồ sơ chứng minh về trình độ kỹ năng nghề và phân công nhà giáo giảng dạy của nhà trường, việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị nhà trường phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với 306 nhà giáo để đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề là theo đúng quy định” – đại diện lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo?

Bà Nguyễn Thị Việt Hương cũng cho biết: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành Thông báo yêu cầu chuẩn về kỹ năng nghề đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Theo đó chỉ có nhà giáo dạy thực hành hoặc dạy tích hợp mới yêu cầu phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy. Trong đó bao gồm chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, nếu 306 nhà giáo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ được phân công, bố trí giảng dạy thực hành, tích hợp phải đạt chuẩn về kỹ năng nghề theo quy định nêu trên.

Được biết, năm 2020, theo báo cáo và phản ánh của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đối tượng giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp không thể đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề theo quy định tại Điều 55 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH.

Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều. Trong đó gia hạn lộ trình để nhà giáo giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp phải đáp ứng đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề theo hướng dẫn sửa đổi. Tức là cho phép 12 tháng kể từ ngày ban hành đề thi, kiểm tra đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề nhà giáo phải hoàn thiện. Việc này nhằm mục đích để đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ kỹ năng nghề theo quy định tại Thông tư số 08/2017.

Nhiều người nghi ngại về việc giáo viên chưa đạt chuẩn kỹ năng nghề sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Bà Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng: Chất lượng đào tạo sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình đào tạo, hệ thống quản trị nhà trường…Trong đó có vai trò của đội ngũ nhà giáo. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào đội ngũ nhà giáo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ thì chưa đủ cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên của trường qua quá trình giảng dạy của đội ngũ nhà giáo này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ