(GD&TĐ) - Ngày ấy, tôi còn nhỏ, làng tôi vắng vẻ lắm. Chỉ vườn nhãn là nhiều. Vườn của ông tôi rất rộng. Cả một mẫu bạt ngàn nhãn. Những cây nhãn lâu năm thân cây to phải mấy người giang tay mới ôm hết.
Ảnh minh họa/Internet |
Có cây một gốc mà ba thân cây độc lập, cho ba vị quả khác nhau. Ngày ấy tôi thường thơ thẩn chơi trong vườn một mình, thú vui tìm hái những bông hoa đồng nội xiên thành từng chuỗi dăng khắp ba thân cây rồi tước vỏ đay mắc võng đu đưa, đầu đội vương miện có cài hoa dâm bụt, lòng vui sướng như mình là công chúa trong truyện cổ tích.
Những con đường làng bên những đầm sen, bên đồng lúa không đâu là không có bóng nhãn chạy dài dẫn vào từng ngõ xóm. Mùa nhãn chín, cành nhãn trĩu quả , từ dưới nhìn lên có cảm tưởng thân cây đang đội một thúng thóc khổng lồ của ngày hè bội thu.
Những đêm thanh gió mát trăng lên, tốp con gái con trai vừa tát nước gầu sòng, vừa trảy nhãn giấu trong tàu lá sen, rồi kéo lên đê đầu làng hóng gió. Họ vừa ngân nga những điệu hò quen thuộc vừa “rửa giọng” bằng cách “chén” những chùm nhãn ngọt lịm. Thật chẳng có những phút giây nào khoan khoái hơn, đồng nội hơn, thơ mộng hơn!
Những chiều hè lộng gió, trên con đê sông hồng, chúng tôi thi nhau ngồi quan sát những cánh diều bay cao cả gió đứt dây. Cánh diều nghiêng ngả rồi thả mình xuống vườn nhãn của các phụ lão. Thế là bọn trẻ chúng tôi lại có dịp trèo cây hái quả. Nếu chiếc diều nào chẳng may rớt xuống hồ sen thì tụi trẻ lại có dịp lội xuống hồ hái hoa và bắp sen.
Thửa lên chín, lên mười, có lần dỗi mẹ, tôi “trốn” bằng cách trèo lên cây nhãn đầu nhà. Ở đó tôi quan sát được thái độ lo sợ của từng thành viên trong gia đình. Cả nhà ùa đi mọi nơi nhao nhác tìm tôi, tôi lấy làm khoái chí. Đêm đến từ cây nhãn tôi trèo xuống sân thượng, nằm vắt chân chữ ngũ ngắm trăng sao, tay quờ sang bên vặt nhãn “chén” thay cơm (nhãn ăn nhiều rát lưỡi chứ không chán).
Sáng hôm sau mọi người sang bà ngoại bẻ nhãn giúp, tôi tụt xuống vét cơm nguội rồi lấy cuốn truyện giấu ở vách bếp cạnh thùng trấu vác lên “lâu đài nhãn” đọc. Đến buổi trưa khi đã vặt hết quả cành la, đang loay hoay trèo sang cành bổng, tôi mới giật mình nhận thấy, khi ăn nhãn tôi sơ ý thả vỏ đầy gốc cây.Vừa hay mẹ tôi về. Nhìn thấy gốc cây nhiều vỏ và hạt mới, bà đảo mắt nhìn khắp vườn, rồi bất chợt nhìn thẳng lên cây. Thế là tôi bị phát hiện, đành ngoan ngoãn tụt xuống với cái nhìn độ lượng và cái cười tủm tỉm của mẹ.
Mùa nhãn chín cũng là kỳ nghỉ hè của bọn nhỏ. Bọn trẻ giúp gia đình thu hoạch nhãn. Ngoài ra chúng còn đua nhau đến các lò làm long nhãn để bóc nhãn thuê. Hết mùa nhãn chín bọn trẻ bước vào năm học mới, đứa nào cũng có cặp sách mới, đồ dùng học tập mới, mặc quần áo mới. Với các bậc phụ huynh, hết mùa nhãn là dịp họ sắm sửa thêm đồ đạc.
Mùa nhãn chín, người Hà Nội cũng nhộn nhịp về Hưng Yên như tham gia cuộc “píc-níc” nhỏ trong ngày để tận mắt chiêm những vườn nhãn chín, những đầm sen bát ngát, thưởng thức hương vị nhãn lồng “chính hãng”- ngay tại gốc cây. Ấy cũng là dịp để họ vào lễ đền Quan Lớn, tham quam Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đền Mây (khu di tích đã được xếp hàng), vui thú chụp những bức ảnh đồng quê sinh động...
Đã qua rồi cái tuổi chín, mười dỗi mẹ trốn nhà trèo lên cây nhãn. Mỗi mùa hè đến, tôi lại bồi hồi nhớ quê hương tôi, mới thấm thía câu thơ của Chế Lan Viên:
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn".
Lê Hồng Bảo Uyên