Thầy Zhang vẫn còn nhớ về các thầy cô giáo tiểu học của mình. Thầy từng là một đứa trẻ cô độc, mồ côi cha. Chính các thầy cô giáo của thầy Zhang đã đưa thầy về nhà mình, cho thầy ăn uống và vá lại những bộ quần áo rách rưới cho thầy.
Giờ đây, khi đã 45 tuổi và trở thành hiệu trưởng một ngôi trường làng ở vùng nông thôn tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, thầy lại tiếp tục công việc nấu ăn cho học sinh sau mỗi ngày lên lớp, giống như những gì các thầy cô giáo xưa kia đã làm cho thầy.
Học sinh tại ngôi trường của thầy Zhang đa phần là con em của các gia đình có cha mẹ đi làm xa nhà, do đó, các em rất cần tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc.
Thầy Zhang đã bắt đầu công việc nấu ăn cho học sinh từ tháng 9/2018. Những bữa ăn của thầy không những giúp các em học sinh được no bụng mà còn khiến thầy trở thành một “ngôi sao” trên mạng Internet tại Trung Quốc.
Những đoạn video về những bữa ăn của thầy Zhang do một giáo viên trong trường chia sẻ lên mạng đã thu hút tới hơn 180.000 người theo dõi.
Mỗi đoạn video với chủ đề “Ngôi trường nhỏ hạnh phúc” thu hút tới hàng trăm nghìn lượt xem. Rất nhiều người đã để lại những bình luận cổ vũ cho hành động đẹp của thầy Zhang.
Thầy Zhang trở thành một giáo viên vào năm 1993. Ban đầu, thầy công tác tại một trường tư thục ở tỉnh Chiết Giang. Sau đó, thầy quyết định thôi việc vì mong muốn làm việc ở những vùng nông thôn nơi trẻ em thường được ông bà nuôi dạy vì cha mẹ chuyển tới các thành phố để làm việc.
Việc này cũng nhằm giúp thầy Zhang báo đáp công ơn của các thầy cô giáo cũ của mình. Sau khi cha thầy qua đời, thầy Zhang thường xuyên bỏ giờ lên lớp. Thay vì phạt, các thầy cô giáo đã luôn yêu thương và chăm sóc thầy.
Khi thầy Zhang mới tới công tác tại trường tiểu học Huangni, quận Yujiang, tỉnh Giang Tây, nhà trường chỉ có 25 học sinh. Rất nhiều bậc phụ huynh khi đi làm ăn xa nhà đã mang con em mình theo. Đây là ngôi trường nhỏ nhất mà thầy Zhang từng làm việc.
Các học sinh tại ngôi trường nông thôn này cũng thiếu tự tin và có các kỹ năng học tập kém hơn so với các em học sinh ở thành phố mà thầy Zhang từng dạy.
Thầy Zhang cho biết việc nấu ăn cho học sinh giúp thầy có cơ hội dành nhiều thời gian hơn với các em. Thầy cũng mong muốn tạo ra những giờ phút vui vẻ cho các học sinh của mình.
“Mỗi ngày các em tới gặp tôi và hỏi: chúng ta sẽ ăn gì hôm nay? Chúng luôn ôm tôi và rất hạnh phúc. Tôi cũng rất hạnh phúc vì chúng tin tưởng mình. Quan trọng hơn là việc này có thể bù đắp cho tình thương mà chúng thiếu thốn khi ở xa cha mẹ”, thầy Zhang nói.
Mỗi ngày, thầy Zhang mua nguyên liệu nấu ăn vào các buổi sáng. Thầy bắt đầu chế biến bữa ăn vào khoảng 2 giờ chiều nhằm đảm bảo sẽ nấu xong vào khoảng 4 giờ khi học sinh tan học.
Thầy tự trích từ khoản tiền lương hàng tháng của mình (khoảng 4.500 Nhân dân tệ/tháng) để mua thực phẩm. Tiền mua thức ăn cho học sinh có giá khoảng 80 Nhân dân tệ/ngày.
Sau khi câu chuyện về thầy Zhang được chia sẻ trên mạng, rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã ngỏ lời muốn giúp đỡ. Tuy nhiên, thầy Zhang đều từ chối với lý do việc này có thể khiến các học sinh của thầy phải bối rối.
Các học sinh của thầy Zhang cũng giúp thầy chế biến bữa ăn. Trong một đoạn video, nhóm học sinh đi đào khoai lang trên cánh đồng và đưa cho thầy Zhang. Các em chạy đi nhặt cành cây hay lá khô để giúp thầy nhóm lửa. Khi thầy mở nắp vung nồi, các em hò reo sung sướng với niềm phấn khích.
Cho tới nay, hơn 90 đoạn video đã được chia sẻ. Trong rất nhiều đoạn, các em học sinh cho nguyên liệu nấu ăn vào nồi hoặc vui chơi trên sân chơi trong khi chờ thầy Zhang nấu ăn. Giây phút hạnh phúc nhất là khi giờ ăn đến, các em xếp hàng nhận suất ăn của mình và cùng thưởng thức với bạn bè trên sân chơi.
Mặc dù phương tiện không cho phép, những bữa ăn của thầy Zhang vẫn khá đa dạng như sườn lợn hầm ăn với cơm, mỳ bò và nấm, hay súp rong biển với bánh bao hấp hoặc mỳ với thịt lợn.
“Tôi cảm thấy rất vui khi được ở cùng những đứa trẻ đáng yêu và có thể đóng góp cho xã hội bằng cách dạy các em trở thành những con người tốt hơn. Những đứa trẻ nông thôn được ông bà nuôi nấng và chúng rất cần những người hướng dẫn.
Tôi hy vọng mình có thể truyền thụ cho chúng sự hiểu biết để chúng có thể rời trường với sự tự tin và nhận được những nền tảng giáo dục cao hơn khi tới các thành phố lớn”, thầy Zhang chia sẻ.