Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống giữa những tấm lòng

GD&TĐ - Đúng 0 giờ ngày 28/2, trên trang chủ Google tiếng Việt đã xuất hiện Doodle mới mang hình tượng nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông (28/2/1939 – 28/2/2019). Đây là lần đầu tiên Google Doodle vinh danh một người Việt Nam.  

Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Niềm vui bất ngờ

Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước sở tại, hay cho nhân loại.

Từ năm 2003 đến nay, trang chủ Google tiếng Việt (Google.com.vn) đã tôn vinh những sự kiện văn hóa đặc trưng của Việt Nam như ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ Quốc khánh 2/9, ngày Nhà giáo Việt Nam... và đem lại sự yêu thích, thú vị cho người sử dụng. Song việc vinh danh một cá nhân người Việt Nam bằng cách tạo Doodle riêng trên trang chủ thì đây là lần đầu tiên Google thực hiện.

Doodle do Google thiết kế là một bức ký họa vẽ hình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ôm cây đàn guitare, bao bọc xung quanh là dòng chữ “Google” được viết cách điệu theo thủ bút quen thuộc của ông lúc sinh thời. Khi ai đó truy cập click vào biểu tượng Google sẽ dẫn đến hàng triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến người nhạc sĩ tài hoa như tiểu sử, hình ảnh, tác phẩm và những bài viết liên quan đến âm nhạc và cuộc đời...

Di sản văn hóa mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho kho tàng âm nhạc Việt gồm hơn 600 ca khúc và có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi trong đời sống. Mỗi bản nhạc của Trịnh Công Sơn là bản tình ca nồng nàn, sâu lắng giàu hình ảnh, hình tượng, luôn biểu đạt tình yêu, tình đời, tình người mãnh liệt với quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình.

Giai điệu nhẹ nhàng nhưng ca từ chau chuốt giàu sức biểu cảm và sức gợi lại mang tính triết luận sâu sắc, tạo dấu ấn rất riêng trong tư tưởng, nhạc Trịnh đã trở thành một dòng nhạc được công chúng hào hứng đón nhận và yêu mến.

Doodle của Googe với hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện vào lúc 0 giờ ngày 28/2
  • Doodle của Googe với hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện vào lúc 0 giờ ngày 28/2

Tìm trong di sản…

Dù đã 18 năm kể từ ngày Trịnh Công Sơn hóa thân làm cát bụi nhưng danh tiếng và tinh túy trí tuệ, tâm hồn và tinh thần của người nhạc sĩ tài hoa vẫn gửi lại nhân gian. Nhạc Trịnh vẫn đang song hành, hiện diện ở khắp mọi nơi trong đời sống, đi vào từng ngóc ngách tâm tư sâu lắng của mỗi người yêu nhạc, nhẹ nhàng như hơi thở

Vượt ra ngoài biên giới đất Việt, nhạc Trịnh Công Sơn đã gây được tiếng vang và có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam” (BBC), “Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam” (The Washington Post).

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản. Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu và được hàng triệu khán giả xứ sở hoa anh đào yêu thích.

Bày tỏ niềm vui, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: Việc Google vinh danh anh Sơn bằng Doodle là một món quà sinh nhật ý nghĩa, xứng đáng với một người tài đã dành trọn trái tim nhiệt huyết và cống hiến cả cuộc đời cho âm nhạc. Sự nhắc nhớ bằng ứng dụng công nghệ hiện đại cũng góp phần đem lại niềm vui cho cộng đồng yêu nhạc Trịnh.

Ở một khía cạnh khác của tài năng Trịnh Công Sơn, bạn bè và giới làm nghệ thuật còn biết đến một Trịnh Công Sơn họa sĩ. Ông đã từng có vài lần góp tranh tham gia triển lãm chung với bạn bè, một số bức đã in trong các tập nhạc, nhưng vẫn còn có những bức vẫn nằm lặng lẽ trong căn nhà lưu niệm của ông. 13 bức tranh của Trịnh, cùng với thủ bút của nhạc sĩ, đã được đưa lên bộ lịch năm 2019 với một kiểu dáng thiết kế đúng chất suy tư và thơ mộng của người nhạc sĩ - thi sĩ - triết gia.

Người thiết kế bộ lịch tranh Trịnh là Nguyễn Duy Sơn. Trước đó, anh cũng chính là người đã tâm huyết thiết kế các bộ lịch thơ cho nhà thơ Nguyễn Duy. Nhà thiết kế trẻ đã tình nguyện đảm nhận việc thiết kế bộ lịch như một nghĩa cử để tưởng nhớ người nhạc sĩ mà anh hằng yêu mến.Tiếc rằng, công việc vừa hoàn tất thì tháng 4/2018, nhà thiết kế đột ngột qua đời vì tai nạn.

Khi còn trên dương thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tâm nguyện cùng gia đình gây dựng một quỹ học bổng nhỏ hỗ trợ những tấm gương hiếu học, có năng khiếu và đam mê âm nhạc. Vào ngày sinh nhật nhạc sĩ năm trước, quỹ đã trao suất học bổng đầu tiên cho Trọng Nhân. Năm nay, nghệ sĩ

saxophone trẻ, tài năng An Trần sẽ được nhận học bổng, được hỗ trợ phát triển tài năng trên chặng đường dài khổ luyện.

Năm nay, dù gia đình ông không tổ chức sự kiện nhưng bạn bè, giới nghệ sĩ, ca sĩ vẫn luôn tưởng nhớ và dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những niềm yêu mến, trân trọng, nâng niu. 

Các nghệ sĩ đã chuẩn bị và thực hiện nhiều sản phẩm tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Đêm nhạc “Lênh đênh nhớ phố” của Giang Trang vào ngày 28 - 29/2 tại L’Espace (Hà Nội). Đêm nhạc “Phạm Duy - Trịnh Công Sơn” kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, do ca sĩ Khôi Minh tổ chức tại Lam Trà Opera (số 70 Nguyên Hồng, Hà Nội). Nghệ sĩ dương cầm Tuấn Mạnh vừa trình làng MV “Diễm xưa”, ca sĩ Tấn Sơn ra MV “Dấu chân địa đàng”. Danh ca Đức Tuấn ra đĩa đơn “Dã tràng ca” như một bước đột phá sáng tạo mới trong thể hiện nhạc Trịnh.

Trường ca “Tiếng hát dã tràng”, hay còn gọi là Dã tràng ca được Trịnh viết khoảng năm 1962 khi đang còn là sinh viên ĐH Sư phạm Quy Nhơn. Đây là một trong những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá mang yếu tố “bí ẩn” trong gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.