Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

GD&TĐ - Đầy tự hào và hạnh phúc khi cả dân tộc là anh em một nhà, là con Hồng cháu Lạc, một mẹ sinh ra.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Trong mỗi người Việt, mấy ai không thuộc huyền tích mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm con. Sau hồi ly tán lên rừng xuống biển, suy tôn người con cả làm vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, khai mở nền văn minh rực rỡ.

Những truyền thuyết về bánh chưng - bánh giầy, trầu cau… khắc ghi dấu mốc hành trình dựng nước và giữ nước.

Có thể nói, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà tính gia đình – dân tộc biểu thị cách đậm đặc đến như thế. Có lẽ bản thân mỗi người không khỏi hoài nghi về gốc gác của mình, của cha ông mình trong chiều dài lịch sử cùng những biến loạn dân tộc.

Tại sao chúng ta trăm họ Trần, Nguyễn, Đỗ, Lê… mà bảo có họ hàng, cùng huyết mạch vua Hùng? Tại sao chúng ta kẻ ngược người xuôi, kẻ giàu người nghèo lại bảo cùng con Rồng cháu Tiên?

Có lẽ truyền thuyết lẫn huyền tích dân gian khó để giải thích một cách căn bản về dòng dõi, gốc tích mỗi người. Nhưng có điều chắc chắn, chúng ta là sự tiếp nối của nguồn cội ngàn đời. Dòng huyết quản chảy trong mỗi người Việt hôm nay vẫn là dòng máu của những người con cùng chung một bọc đồng bào, cùng một họ tộc. 

Ngày nay, không có mấy ai mang họ Hùng nhưng thực ra tất cả người Việt đều là người họ Hùng. Họ Hùng là họ của cả đại tộc Việt, chứ không phải chỉ của một dòng họ riêng lẻ nào.

Cũng không phải lẽ tự nhiên mà dân gian có câu “Dù ai đi ngược về xuôi/, Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Phải có một mối liên kết về dòng tộc, về huyết thống thì câu nói ấy mới tồn tại.

Và cứ thế, mùng 10 tháng 3 hàng năm không chỉ là một lễ hội diễn ra ở Đền Hùng, mà trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có một “lễ hội trong lòng” tưởng nhớ về tổ tiên.

Tổ tiên là một khái niệm vừa mang tính hiện thực trực tiếp theo quan hệ thân tộc, vừa là một “cộng đồng tưởng tượng” mang tính huyền thoại, để rồi biến hóa thành tín ngưỡng vững bền trong văn hóa Việt Nam.

Tục thờ tự tổ tiên đã vượt qua nhiều thử thách để tồn tại và trở thành nét văn hóa đẹp đẽ nhất trong cõi tâm linh. Hơn 100 năm trước, nhà giáo Phan Kế Bính đã khảo tả về phụng sự tổ tông: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người”.

Chính mối quan hệ thân tộc từ ngàn đời mà đến nay, nền tảng tinh thần vẫn lặng lẽ trong đời sống thường nhật khi “chị ngã em nâng”, “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “tương thân tương ái”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”…

Chính tinh thần ấy lý giải cho chúng ta thấy những điều hiển nhiên trong đời sống. Khi thiên tai, địch họa mỗi người luôn sẻ chia, đồng lòng chẳng chút đắn đo. Khi ta ở một xứ sở xa xôi nào đó, gặp bóng dáng người Việt thì vui mừng chẳng khác nào người thân trong nhà. 

Một dân tộc trải qua biến thiên với nhiều chia rẽ, nhưng vết nứt tình cảm sẽ mau lành khi mỗi người biết ý thức về nguồn cội, tự hào mình là con Lạc cháu Hồng, là dân một nước, là con một nhà.     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...