Nhớ giữ hình ảnh người Việt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Câu chuyện văn hóa được quan tâm nhất trong tuần qua, có lẽ là quy chế nghiêm cấm các nghệ sĩ tự ý đi nước ngoài mà không xin phép.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Quy chế quản lý và xét duyệt công chức, viên chức, văn nghệ sĩ khi đi công tác ở nước ngoài – do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM ban hành gồm 22 điều. Trong đó, đáng chú ý là điều 4: Nghiêm cấm các nghệ sĩ tự ý đi nước ngoài mà không xin phép hoặc khi chưa được sự chấp thuận của lãnh đạo.

Nhấn mạnh về trách nhiệm, nghĩa vụ khi đi nước ngoài, quy chế yêu cầu các nghệ sĩ phải có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành các quy định pháp luật của nước sở tại. Đồng thời phải giữ gìn hình ảnh quốc gia, dân tộc.

Quy chế được ngành văn hóa TPHCM đưa ra, sau vụ 2 nghệ sĩ bị cáo buộc hiếp dâm ở nước ngoài - và cả 2 người này đều không làm đơn xin phép cơ quan quản lý về việc xuất ngoại.

Để cơ quan quản lý phải ra quy chế để nghệ sĩ không chệch hướng là một việc rất đáng suy ngẫm. Nghệ sĩ vốn là danh xưng cao quý dành cho những người sáng tạo và lan tỏa văn hóa – nghệ thuật. Vậy thì mặc định, nghệ sĩ là những người có văn hóa để gánh trên vai sứ mệnh truyền thừa và lan tỏa bản sắc tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Trong đời sống, khi người con đi xa, thường thì bậc cha mẹ cũng hay dặn dò động viên. Quy chế mà Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM ban hành cũng không khác lắm, đại ý nhắc nhở nghệ sĩ ra nước ngoài nhớ giữ hình ảnh người Việt, đừng làm gì trái ngược với văn hóa và luật pháp mà tổn hại đến hình ảnh dân tộc.

Vụ nghệ sĩ Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh mới đây tại Tây Ban Nha, hay loạt nghệ sĩ Việt vướng các bê bối ở nước ngoài đã làm xấu hình ảnh người Việt. Không thể nói họ trẻ người non dạ thiếu hiểu biết, cũng không thể nói họ nhận thức kém về luật pháp. Nhưng có thể khẳng định, họ không có ý thức giữ gìn hình ảnh đẹp đẽ, hiền hòa của người Việt.

Cư xử văn minh và có văn hóa phải trở thành thói quen, nếp sống, phẩm chất của mỗi con người - dù ở bất cứ nơi đâu chứ không riêng gì ở nước ngoài. Thế nhưng trong một xã hội đầy rẫy những sai phạm và vô phép, bất chấp cả luật pháp lẫn đạo lý… đến khi lộ tội lại chạy ra nước ngoài, thì khó có thể hô hào người dân phải giữ hình ảnh người Việt. Pháp luật bình đẳng, và văn hóa chuẩn mực cũng phải bình đẳng từ Nhà nước tới người dân.

Để người Việt giữ hình ảnh đẹp khi ra nước ngoài, bản thân họ phải đẹp từ trong tâm hồn, từ chính ngôi nhà nơi họ đang ở và đẹp từ trong đất nước quê hương của họ. Văn hóa và chuẩn mực ứng xử không phải là thứ nói là làm được ngay, mà phải xây dựng dần dần từ trên xuống dưới, từ cán bộ tới người dân… mới có thể hình thành một thói quen văn hóa đẹp.

Khi văn hóa đã là tự thân, lúc đó mỗi cá nhân sẽ tự trở thành một đại sứ văn hóa - dù sống và làm việc ở bất kỳ vùng địa lý nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ