Sao kê và việc từ thiện của nghệ sĩ Việt

GD&TĐ - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ bị yêu cầu sao kê tiền kêu gọi từ thiện. Một số còn bị tố ăn chặn khiến khán giả cho rằng cần minh bạch rõ ràng.

Ca sĩ Thái Thùy Linh tham gia, tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, đặc biệt là “Mang âm nhạc đến bệnh viện”.
Ca sĩ Thái Thùy Linh tham gia, tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, đặc biệt là “Mang âm nhạc đến bệnh viện”.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, câu chuyện này thúc đẩy chúng ta đưa ra giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng tốt hơn.

Chế ngự tham - sân - si

Tại tọa đàm “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ về khó khăn khi làm việc thiện nguyện. Tọa đàm thực hiện với mục đích hướng đến giảm thiểu sai sót, sai lầm của cá nhân để hướng đến công tác từ thiện được công khai, minh bạch đúng pháp luật. Đồng thời phát huy được tối đa sức mạnh của toàn dân để cùng chia sẻ với nhau lúc hoạn nạn, khó khăn.

Dính lùm xùm liên quan đến đợt thiện tại miền Trung năm 2016, thông qua Facebook chính thức, Phan Anh chia sẻ giấy tờ tài liệu liên quan để chứng minh sự minh bạch của mình. Anh cho biết, số tài liệu này nặng tới hơn 6kg.

Nam MC công khai không chỉ sao kê mà còn toàn bộ chứng từ thu chi của hoạt động chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung. Những chứng từ và sao kê này đều được lưu giữ trên website mà anh lập riêng cho hoạt động từ thiện năm đó. Thậm chí, anh cũng cung cấp một bản mềm sao kê để ai cũng có thể kiểm tra thông tin chuyển khoản.

MC Phan Anh cho biết: “Điều khó khăn nhất khi làm thiện nguyện cho cộng đồng là mình phải phát hiện được tham - sân - si trong chính mình và chế ngự được. Khi hỗ trợ bà con vào năm 2016, hỏi rằng tôi có tham không, tôi cho là có. Đây không phải là tham tiền, mà là tham sự ghi nhận của mọi người dành cho mình.

Trong một ngày tôi nhận 8 tỷ đồng. Tôi liền tự nhủ mọi việc đang quá sức mình, lo lắng có làm được không? Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản. Tức là thích sự ghi nhận của mọi người, thích sự tin tưởng của mọi người.

Bởi vậy, tôi nghĩ khi bắt đầu làm thiện nguyện phải hiểu rõ rằng bạn đang làm điều gì, làm cho ai và bạn thấy hạnh phúc với việc đó thôi là đủ rồi. Phải gạt bỏ mọi tham - sân - si trong người”, nam MC bày tỏ.

MC Phan Anh cũng ủng hộ tuyệt đối chuyện sao kê, minh bạch trong thời gian gần đây. Bởi theo anh, không phải việc minh bạch trong việc từ thiện mà mọi vấn đề trong xã hội.

Và điều đó không chỉ bảo vệ mình mà bảo vệ niềm tin của mọi người, rằng điều tử tế trong xã hội này vẫn tồn tại. Niềm tin đó rất có ý nghĩa trong cuộc sống xã hội ngày hôm nay. Vì vậy, trong câu chuyện kêu gọi từ thiện, minh bạch, sao kê là chuyện đương nhiên và thể hiện sự chuyên nghiệp.

Theo nam MC, từ thiện là điều cao đẹp mà tình đồng bào, nghĩa cử cao đẹp cần nhân lên thay vì vùi dập. Mặc dù mọi người đều mong muốn những điều tốt hơn nhưng cách thức thể hiện có thể khiến những người làm từ thiện dễ thối chí.

“Chính bản thân tôi cũng có sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi không phải làm kế toán làm sao chứng từ đầy đủ đúng theo quy định Nhà nước. Nhưng cũng phải cố gắng, trong ê-kíp của mình có những người chuyên nghiệp giúp mình làm đúng”, Phan Anh chia sẻ.

MC Phan Anh từng vướng lùm xùm trong câu chuyện từ thiện.

MC Phan Anh từng vướng lùm xùm trong câu chuyện từ thiện.

Sẽ trở nên nguy hiểm, nếu…

Ca sĩ Thái Thùy Linh là người đã gắn bó với chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” và nhiều chương trình thiện nguyện khác. Chị cũng được Trung ương Đoàn bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

“Với cá nhân tôi, ngay từ những lần đầu tự đứng ra tổ chức chương trình thiện nguyện, tôi đã xác định nhiệm vụ là làm sao lan tỏa những giá trị, ý nghĩa cao đẹp, hiệu quả đến mọi người. Gần đây có nhiều thị phi liên quan đến nghệ sĩ và thiện nguyện nhưng tôi tin tưởng vào con đường mình đang đi và công việc mình đang làm.

Tôi luôn luôn xác định khi làm thiện nguyện là vì ai, mình muốn giúp gì cho họ và đã giúp được chưa, chứ không quá quan tâm đến việc người ta nghĩ và đánh giá như thế nào. Nếu không giải quyết được các câu hỏi đó thì sẽ dừng lại công việc này từ rất sớm”, ca sĩ Thái Thùy Linh bày tỏ.

Theo nữ ca sĩ, ngoài việc giúp đỡ trực tiếp người yếu thế, chị còn có một nhiệm vụ khác quan trọng hơn là hướng cho nhiều người trẻ. Điều ý nghĩa nhất trong quá trình làm thiện nguyện của chị là làm cho nhiều thanh niên sống hướng thiện hơn. Thậm chí nhiều người trước đây có thành kiến và cực đoan với thiện nguyện nhưng cũng đã thay đổi quan điểm.

“Điều khó khăn nhất trong khi làm thiện nguyện là việc sắp xếp thời gian, làm thế nào để dung hòa được. 10 năm nay, tôi vẫn loay hoay để sắp xếp thời gian lo lắng đi hát kiếm tiền, dạy con... Đôi khi tôi cảm thấy áy náy vì không thể trả lời hết được tin nhắn của mọi người”, Thái Thùy Linh cho biết.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khoá XIV cho rằng, thời gian qua, nhiều cử tri, người dân rất quan tâm về vấn đề làm từ thiện. Từ thiện tùy thuộc vào cái tâm, cái đức của mỗi người.

Chúng ta cũng đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện, như Nghị định 64 /2008/NĐ-CP (Nghị định 64) về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Theo đó, Nghị định này chỉ cho phép các tổ chức, đơn vị kêu gọi vận động cứu trợ. Đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương, các quỹ xã hội từ thiện và các cơ quan thông tin đại chúng bao gồm báo, đài truyền thanh, truyền hình...

Nghị định cũng quy định về cơ quan tiếp nhận bao gồm MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương và các đơn vị, tổ chức được MTTQ cho phép đứng ra tiếp nhận. Như vậy theo quy định không có một tổ chức, cá nhân nào khác ngoài quy định này được kêu gọi từ thiện.

Ngoài ra còn một nghị định rất quan trọng nữa là Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về quỹ xã hội từ thiện. Theo đó các tổ chức có thể được vận động các quỹ từ thiện xã hội.

“Tôi cũng đi làm từ thiện nhưng theo cách riêng của tôi. Tôi làm từ thiện dựa trên uy tín của cá nhân để vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các mạnh thường quân đóng góp để hỗ trợ người nghèo. Như việc đề nghị, kêu gọi các doanh nghiệp xây nhà tình nghĩa, xây cầu, đường, trường học... Trong các hoạt động này, chúng tôi không trực tiếp cầm tiền”, TS Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội khoá XIV cũng nhấn mạnh: “Ở đây, nhìn lại các quy định đã đưa ra trong Nghị định 64, có thể thấy rõ việc cá nhân kêu gọi ủng hộ đã là không đúng pháp luật rồi, chưa bàn đến việc có trục lợi hay không. Lòng tốt nếu thiếu lý trí sẽ trở nên nguy hiểm”.

Theo ông Nhưỡng, phải khẳng định làm từ thiện mang tính trách nhiệm xã hội. Hiện nay, dựa trên cơ sở uy tín của người nổi tiếng cũng là tốt, không nên cấm cá nhân làm từ thiện. Nhưng quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát.

Đồng thời, phải quy định những người đủ năng lực để làm và làm theo cách nào, chứ không để cho người ta tự mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện. Bên cạnh đó, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm. Như vậy để tránh tình trạng trục lợi.

“Quan điểm của tôi là cần phải xã hội hóa công tác từ thiện nhưng phải có cơ chế để kiểm soát việc làm từ thiện của cá nhân” - TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.