'Lỗi văn hóa' nhìn từ vụ 'hai nghệ sĩ Việt bị bắt tại Tây Ban Nha'

GD&TĐ - Trong tuần qua, vụ việc nghệ sĩ Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng bị tố cưỡng hiếp thiếu nữ 17 tuổi người Anh đi nghỉ cùng gia đình tại Tây Ban Nha, khiến dư luận xôn xao.

'Lỗi văn hóa' nhìn từ vụ 'hai nghệ sĩ Việt bị bắt tại Tây Ban Nha'

Vụ việc cho đến thời điểm này vẫn đang được nhà chức trách Tây Ban Nha tiến hành điều tra làm rõ. Nhiều trang tin quốc tế cho biết, hai nghệ sĩ Việt Nam đã bị lực lượng chức năng tịch thu hộ chiếu, cấm rời khỏi quốc gia này cho tới khi vụ kiện được làm sáng tỏ.

Phía Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi Hồng Đăng đang công tác - cho biết, nam diễn viên đi nước ngoài không phải theo chương trình công tác nào mà là vì mục đích cá nhân. Anh cũng chưa được cơ quan chủ quản chấp thuận bằng văn bản chính thức về chuyến xuất ngoại này.

Còn Học viện Âm nhạc Quốc gia - nơi Hồ Hoài Anh đang tham gia giảng dạy cũng đã có quyết định tạm đình chỉ với nam nhạc sĩ này. Giảng viên Hồ Hoài Anh đã tự ý đi du lịch nước ngoài, trong thời gian học viện chuẩn bị công tác tuyển sinh mà không báo cáo xin phép.

Người đứng đầu Học viện cho biết, chưa có quyết định chính thức nào bằng văn bản về việc đình chỉ hay kỷ luật đối với Hồ Hoài Anh, vì còn chờ mọi việc được làm sáng tỏ.

Trong khi sự việc vẫn chưa được kết luận, dư luận trên mạng xã hội đã chia làm nhiều phe. Người khen - kẻ chê, người bênh - kẻ tố… Nhưng đặc biệt, qua những cuộc “khẩu chiến” trên mạng, chúng ta thấy một lỗ hổng văn hóa – nói đúng hơn là lỗi văn hóa nghiêm trọng của người Việt.

Nhiều ý kiến phê phán hai nghệ sĩ có hành vi cưỡng hiếp thiếu nữ 17 tuổi người Anh. Họ cho rằng, hành vi đó không chỉ phạm pháp, mà còn làm xấu đi hình ảnh người Việt.

Dòng ý kiến khác nêu giả định, và thậm chí là kết luận thiếu nữ người Anh đã “gài bẫy” hai nghệ sĩ. Họ cho rằng, đó chỉ là hành động “bóc bánh trả tiền”, nhưng khi không đạt được mục đích, cô gái người Anh đã tố cáo bị hai người đàn ông cưỡng hiếp.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay: “Gài/bị gài bẫy” - đó là cụm từ tôi đọc thấy khá nhiều trong những lời bình luận về vụ hai nghệ sĩ. Nghe ra tưởng như một lời “bào chữa”, nhưng thực ra lại là một sự đổ tội. Sao cứ đứng về phía đàn ông mà đổ tội cho phụ nữ, và sao cứ đứng về phía mình mà đổ tội cho phía người?”.

Ông Nguyên nhận định, kiểu đổ tội như vậy là một lỗi văn hóa của người Việt: “Bảo cô gái Anh “gài bẫy” hai nghệ sĩ Việt Nam khi không có bằng chứng, thì đó là một sự vu cáo xúc phạm. Cô gái Anh mà đọc được những bình luận “gài bẫy” như thế có thể kiện người Việt không chừng”.

Chúng ta đã để lại quá nhiều dấu ấn về hình ảnh người Việt xấu xí ở nước ngoài. Nhưng điều lạ là ngay khi ở trong nước, chúng ta cũng không tự bỏ được những thói quen tật xấu trong lời ăn tiếng nói.

Bình phẩm, xét đoán, kết tội người khác – đang là cách ứng xử phản văn hóa của một số người Việt. Có lẽ vì thế mà người xưa để lại lời răn: “Chân mình còn lấm mê mê/ Lại đi cầm đuốc mà rê chân người”. Từ đó, tiền nhân cũng dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Mở đầu vấn đề ra sao, gói lại câu chuyện thế nào chưa hẳn đã phản ánh hết nền văn hóa của một dân tộc. Nhưng trước tiên, lời ăn tiếng nói của mỗi người sẽ phản ánh bản chất văn hóa dù có hay không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.