Nhiều khó khăn phát sinh khi dạy học môn mới cấp THPT

GD&TĐ - Sau một năm triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT, nhiều trường đã khắc phục khó khăn giảng dạy môn học mới (Mỹ thuật, Âm nhạc).

Cô trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngô Chuyên
Cô trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngô Chuyên

Tuy nhiên, có trường lại “lúng túng” triển khai vì chưa giải được “bài toán” thiếu giáo viên.

Chủ động tháo gỡ

Đánh giá cao những điểm mới của Chương trình GDPT 2018, cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) - chia sẻ: “Chương trình mới được soạn thảo với nhiều nội dung mới, hay và phù hợp với phát triển năng lực học sinh hiện nay. Đặc biệt, ở bậc THPT có hai môn Mỹ thuật và Âm nhạc, dù nhà trường chưa có giáo viên nhưng vẫn tổ chức cho học sinh đăng ký để sắp xếp lớp, mời các giáo viên có chuyên môn dạy hợp đồng”.

Cô Thuận cho biết thêm: “Nếu số lượng học sinh đăng ký ít, chúng tôi sẽ lên phương án liên kết với một số trường THPT trên địa bàn mời giáo viên giảng ghép để đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh. Khi dạy ghép, các trường cùng bàn bạc, xây dựng thời khóa biểu hợp lý, tránh chồng chéo, ảnh hưởng quá trình học các môn khác”.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, cho biết: “Năm học 2023 - 2024, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường THPT chủ động phối hợp với phòng GD&ĐT mời giáo viên đủ điều kiện ở các trường THCS tham gia hỗ trợ lựa chọn sách giáo khoa và giảng dạy hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở THPT. Đồng thời, yêu cầu các trường tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các giáo viên khi tham gia giảng dạy ở các trường THPT”.

Tương tự như vậy, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ), năm học 2022 - 2023 đã ký hợp đồng thỉnh giảng giáo viên môn Âm nhạc ở THCS để giảng dạy và lựa chọn sách giáo khoa. Năm nay, trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa Mỹ thuật và Âm nhạc lớp 11 nhà trường tiếp tục mời hai giáo viên thỉnh giảng tham gia nghiên cứu và lựa chọn.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm học này, ngoài việc tiếp tục hợp đồng với giáo viên Âm nhạc hiện tại, chúng tôi sẽ căn cứ vào nhu cầu đăng ký của học sinh lớp 10 và 11 để mở lớp và mời thêm 1 giáo viên Mỹ thuật giảng dạy. Giáo viên này cũng là người đã có quá trình tham gia nghiên cứu và lựa chọn sách lớp 11”.

Nhằm khắc phục khó khăn trong việc thiếu giáo viên giảng hai môn mới ở THPT, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã chủ động tổ chức rà soát, thống kê các giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật tại các trường THCS có đủ điều kiện đáp ứng chuyên môn để giảng dạy ở THPT. Theo đó, danh sách này sẽ được gửi về các trường THPT và các trường có thể mời những thầy cô này tham gia hỗ trợ chọn sách giáo khoa hoặc giảng dạy khi có nhu cầu.

Tiết học Âm nhạc tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Cần Thơ. Ảnh: NTCC

Tiết học Âm nhạc tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Cần Thơ. Ảnh: NTCC

Rào cản từ nhân, vật lực

Tại Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G’Long (Đắk Nông) dù có sẵn giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, tuy nhiên số lượng học sinh lựa chọn hai môn học quá ít dẫn đến không triển khai được.

Cô Lê Thị Anh – Phó Hiệu trưởng - cho hay: “Năm học 2022 - 2023, trường chỉ có một học sinh lựa chọn học Âm nhạc và Mỹ thuật. Sau ba tuần học, học sinh này đã xin chuyển lớp. Không những vậy, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy của nhà trường không đáp ứng đủ.

Như môn Mỹ thuật, phòng học bố trí ánh sáng khác với phòng học thường; Âm nhạc thiết bị dạy học thiếu nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu chương trình đề ra. Bên cạnh đó, giáo viên Âm nhạc chỉ là chuyên sâu một bộ môn không trùng với mong muốn của học sinh cũng gây khó khăn trong quá trình giảng dạy”.

Tại Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên (Sơn La), thầy Bạc Văn Ân – Phó Hiệu trưởng - cho biết: “Với hai môn học mới, học sinh ở trường không lựa chọn dù đội ngũ giáo viên nhà trường đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu. Đơn cử, ở môn Âm nhạc, trường có 1 chiếc đàn, 1 đài; trong khi đó, giảng dạy ở bậc THPT đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu. Nhiều em còn chọn môn học này để tham gia vào kỳ thi xét tuyển các trường đại học, cao đẳng. Do đó, tôi đề xuất ngành Giáo dục bổ sung dụng cụ tối thiểu cho hai môn học”.

Tại Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh), thầy Hồ Đức Cương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện nay, với hai môn học mới, nhà trường mới triển khai môn Âm nhạc. Môn Mỹ thuật chưa triển khai bởi không có giáo viên, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ yêu cầu.

Do đó, những học sinh có mong muốn học môn này, chúng tôi mới chỉ tổ chức các buổi học ngoài giờ, chương trình ngoại khóa để khuyến khích các em phát triển năng khiếu. Nhà trường cũng khơi gợi học sinh tìm hiểu các trung tâm giảng dạy môn này để tham gia các khóa học vào dịp hè, cuối tuần”.

“Hàng năm, số học sinh ở Trường THPT Hương Khê có xu hướng lựa chọn ngành liên quan đến kiến trúc hay dùng các tổ hợp có môn năng khiếu (vẽ) để xét tuyển khá nhiều. Do đó, khi học trò được đào tạo bài bản sẽ bồi đắp năng khiếu, tạo nền móng phục vụ cho việc thi cử sau này. Tuy nhiên, việc chưa có giáo viên giảng dạy để triển khai môn Mỹ thuật khiến nhà trường trăn trở và tiếp tục tìm hướng tháo gỡ”, thầy Cương bày tỏ.

“Năm 2023 là năm thứ 2 tôi tham gia chọn sách và giảng dạy cấp THPT. Căn cứ vào thực tế năm ngoái, sách năm nay có nhiều thay đổi, nội dung mới, do đó quá trình lựa chọn tôi ưu tiên đặt chọn cuốn nào có tính kết nối, kế thừa kiến thức của năm lớp 10. Qua đó, giúp học trò vận dụng kiến thức linh hoạt trong quá trình học lớp 11”, cô Hồ Như Thủy, giáo viên Mỹ thuật Trường THCS & THPT Đông Thành (Vĩnh Long) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ