Nhiều trường cũng gặp lúng túng trong triển khai môn Hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Mỹ thuật, Âm nhạc hấp dẫn
Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (TP Đà Nẵng) có môn lựa chọn là Âm nhạc và Mỹ thuật. Cô Trần Thị Kim Vân cho biết: “Với môn lựa chọn, học sinh đều có thể chọn một trong số 2 môn này. Ví dụ như trường có nhóm lớp gồm môn lựa chọn là Lý - Hóa - Sinh - Mỹ thuật hoặc Lý - Hóa - Sinh - Âm nhạc, Lý - Hóa - Tin - Mỹ thuật.
“Điều thú vị là trừ một số ít học sinh chọn học Mỹ thuật hoặc Âm nhạc theo định hướng nghề nghiệp sau này như thi vào các ngành đồ họa, kiến trúc, thiết kế hoặc theo sư phạm âm nhạc, sư phạm mầm non thì gần như các em chọn môn học này để giảm bớt áp lực học hành”, cô Kim Vân nhận xét và chia sẻ: Nhà trường không thể đưa cả 2 môn học này vào một nhóm môn tự chọn vì giáo viên còn đảm nhiệm cả giờ dạy cho khối lớp ở cấp THCS.
Các em bây giờ đã có nhận thức khác về việc học tập toàn diện, chưa kể là có những học sinh có năng khiếu về 2 môn học này, muốn tiếp tục học lên. Đưa ra nhận xét trên, thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đồng thời chia sẻ: Thế nhưng, do điều kiện của nhà trường không có giáo viên nên không thể đưa vào danh sách để các em lựa chọn.
Nguyễn Trà Đức Khang, học sinh lớp 10/2, Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (TP Đà Nẵng) cho biết: “Trong 6 nhóm tổ hợp môn lựa chọn mà nhà trường đưa ra, em chọn nhóm môn Lý - Hóa - Sinh - Âm nhạc. Nếu có kiến thức căn bản về âm nhạc thì chắc cách cảm thụ và nghe nhạc của em cũng sẽ khác”.
Ngược lại với Khang, Văn Nam Khánh, học sinh lớp 10/5, Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến lại lựa chọn môn Mỹ thuật vì thấy mình không phù hợp với môn Âm nhạc.
Với những học sinh có định hướng nghề nghiệp theo khối kỹ thuật, Trường THPT Bình Sơn tư vấn cho các em lựa chọn môn Công nghệ - Công nghiệp. Nhà trường có 2 lớp gồm môn lựa chọn là Công nghệ - Công nghiệp và 2 lớp dạy môn Công nghệ - Nông nghiệp.
Thầy Phạm Thạch Sinh chia sẻ: Công nghệ - Công nghiệp là một môn học mới và có nhiều nội dung khó hơn so với môn Công nghệ của chương trình trước đây. Vì vậy, với những học sinh có điểm thi môn Toán cao và dự định theo học các ngành khối kỹ thuật thì nhà trường mới tư vấn cho các em chọn môn này. Trường có giáo viên được đào tạo chuyên ngành Vật lý – Công nghiệp nên thuận lợi trong việc phân công đứng lớp.
Giờ học của học sinh lớp 10 Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng). |
Băn khoăn tổ chức môn Hoạt động trải nghiệm
Thầy Phạm Thạch Sinh cho biết, với môn Hoạt động trải nghiệm, hiện nhà trường chia làm 3 gói: Chào cờ, tiết sinh hoạt chủ nhiệm và các hoạt động do Đoàn Thanh niên chủ trì. Tuy nhiên, khó khăn cho hầu hết các trường là không có hội trường hoặc nhà đa năng đủ lớn để tổ chức chào cờ vào những ngày có thời tiết xấu.
Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam), thầy Hiệu trưởng Bùi Ngọc Luận lại cho rằng, Hoạt động trải nghiệm phải tính vào tiết sinh hoạt dưới cờ chứ không thể tính vào nội dung của buổi Chào cờ. Hiện khối lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không còn nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp nữa. Những hoạt động mang tính chất tập trung toàn khối như tuyên truyền giáo dục pháp luật… sẽ tính là Hoạt động dưới cờ của môn Hoạt động trải nghiệm.
Có một thực tế là các trường THPT vẫn chưa thống nhất trong việc giảm số tiết cho giáo viên chủ nhiệm khi triển khai nội dung của môn Hoạt động trải nghiệm. Có một số trường ở Quảng Nam quy đổi cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm là 4,5 tiết, nhưng cũng có trường tính từ 6 - 7 tiết.
Thầy Bùi Ngọc Luận băn khoăn: “Với những buổi học sinh trải nghiệm thực tế ở ngoài khu vực trường, nhà trường có thể tính tiết cho các giáo viên làm công tác Đoàn. Nhưng bài thu hoạch sau các giờ học trải nghiệm đều ở dạng liên môn. Ngoài giáo viên chủ nhiệm tham gia thu nhận bài thì một số giáo viên bộ môn còn tham gia chấm. Vậy phải tính như thế nào cũng là một khó khăn”.
Để triển khai tốt nội dung của môn Hoạt động trải nghiệm, Ban Giám hiệu Trường THPT Bình Sơn đã lựa chọn giáo viên có năng khiếu tổ chức các hoạt động ngoài giờ để bố trí chủ nhiệm các lớp khối 10. Với môn học Giáo dục kinh tế & pháp luật, nhà trường khảo sát ý kiến của giáo viên để mua thêm tài liệu phục vụ cho quá trình tự bồi dưỡng và dạy – học.
“So với nội dung của môn Giáo dục công dân thì môn Giáo dục kinh tế & pháp luật có nhiều điểm mới. Vì vậy, ngoài việc tham gia bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch chung, nhà trường động viên thầy cô tự nghiên cứu chương trình để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu môn học” - thầy Phạm Thạch Sinh thông tin.
Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng tổ chức bồi dưỡng riêng cho giáo viên dạy môn Giáo dục kinh tế & pháp luật trong toàn tỉnh trong 4 ngày. Các giáo viên chia theo từng nhóm để soạn giảng nhằm xây dựng kế hoạch dạy học làm tài liệu kế hoạch dạy học chung để tham khảo trong toàn tỉnh. Khi triển khai dạy – học trong thực tế, tùy điều kiện của từng nhà trường, giáo viên sẽ lựa chọn nội dung và phương pháp dạy – học phù hợp.
“Nhà trường đã rà soát các thiết bị - đồ dùng dạy học hiện có để đề xuất mua sắm do thiết bị có thể sử dụng cho chương trình lớp 10 rất ít. Trước đây, nhà trường không có nhân viên phụ trách thiết bị, đầu năm học này mới được bổ sung nhân viên cho vị trí này. Chúng tôi rất mong thiết bị - đồ dùng dạy học tối thiếu của khối lớp 10 về sớm để có thể tổ chức dạy – học hiệu quả, đúng với mục tiêu của chương trình”, thầy Bùi Ngọc Luận bộc bạch.