Thiếu giáo viên dạy môn học mới: Lo quá tải giờ dạy

GD&TĐ - Lần đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Sự xuất hiện của một số môn học mới khiến nhiều trường học đối diện với khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên.

Hầu hết các trường học tại Hà Nội đã trang bị phòng máy tính.
Hầu hết các trường học tại Hà Nội đã trang bị phòng máy tính.

Vừa làm vừa tính

Trước đây, khi Tin học là môn học lựa chọn, hầu hết các trường tiểu học tại Hà Nội chỉ có một biên chế giáo viên dạy môn học này. Năm học 2022 - 2023, khi triển khai chương trình mới đối với lớp 3, Tin học trở thành môn học bắt buộc khiến số tiết dạy tăng lên, nhiều trường đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên.

Thầy Đỗ Quang Long - giáo viên Tin học Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nếu theo Chương trình mới, mỗi tuần một lớp sẽ có 2 tiết Tin học ở các khối 4, 5. Với học sinh khối lớp 3, Tin học và Công nghệ được ghép làm một, mỗi môn học 1 tiết/tuần. Điều chỉnh này gây ra khó khăn cho ban giám hiệu trong việc phân công chuyên môn khi một môn học nhưng lại có 2 giáo viên dạy.

Giáo viên Tin học dạy Tin học còn giáo viên chủ nhiệm lại dạy Công nghệ dẫn đến khó khăn trong kiểm tra đánh giá học sinh. Bên cạnh đó, trường có 2 giáo viên Tin học biên chế, 1 giáo viên hợp đồng nên mỗi giáo viên sẽ phải dạy gần 30 tiết/tuần. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi giáo viên không dạy quá 23 tiết/tuần.

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) mới chỉ có 1 giáo viên dạy tin học nên chắc chắn số tiết dạy sẽ vượt định mức. Theo cô Hiệu trưởng Bạch Thị Thanh Huyền, nhà trường đang có kế hoạch thuê giáo viên hợp đồng để đảm bảo tất cả học sinh sẽ được học môn học này trong năm học tới.

Thiếu giáo viên là thế nhưng việc tuyển dụng không hề dễ dàng vì giáo viên Tin học phải đáp ứng được cả yêu cầu về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm. Những sinh viên khi học Công nghệ thông tin ở các trường không đào tạo giáo sinh phải có chứng chỉ sư phạm mới đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, số sinh viên này không chọn nghề giáo bởi mức thu nhập quá thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Chia sẻ về khó khăn khi chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn Tin học lớp 3, ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết: Cũng như các huyện ngoại thành khác, khó khăn lớn nhất của Mê Linh là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Hầu hết các trường đều thiếu máy tính. Phòng GD&ĐT huyện đã có tham mưu, đề xuất trình lên HĐND và UBND huyện về việc mua sắm trang thiết bị học tập cho lớp 3 và lớp 7. Phòng GD&ĐT đồng thời chỉ đạo nhà trường tận dụng nền tảng có sẵn, cho phép ký kết hợp đồng, tăng cường chia sẻ giáo viên giữa các trường. Giáo viên dạy Tin học ở các trường có ít học sinh, ít tiết hơn có thể đến các trường còn thiếu để dạy.

Giáo viên Tin học quận Hoàn Kiếm tham gia tập huấn sách giáo khoa Tin học lớp 3.

Giáo viên Tin học quận Hoàn Kiếm tham gia tập huấn sách giáo khoa Tin học lớp 3.

Khẩn trương ký hợp đồng

Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) cho hay, năm học 2022 - 2023, nhà trường có thêm 2 lớp 3. Vì vậy, ngoài số giáo viên sẽ theo học sinh từ lớp 2 lên, nhà trường lựa chọn thêm giáo viên đang dạy ở các khối khác để thực hiện các hoạt động chuyên môn cùng nhóm giáo viên dạy lớp 3, sẵn sàng tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới.

Với ưu thế là một trong các trường có số lượng giáo viên Tin học, ngoại ngữ nhiều nhất quận, về cơ bản nhà trường đã đủ giáo viên Tin học. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để ký hợp đồng.

Tại huyện Ba Vì, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, số lượng trường học lớn, song huyện đã tích cực chuẩn bị, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tin học và ngoại ngữ cho khối lớp 3, bởi đây là năm đầu tiên hai môn học này có trong chương trình bắt buộc đối với học sinh lớp 3.

Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: Với chủ trương ưu tiên tối đa cho các khối lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, huyện Ba Vì đã tập trung nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến nay, các trường đều bảo đảm mỗi lớp 3 có một phòng để học 2 buổi/ngày. Hiện, toàn huyện chỉ còn thiếu 2 phòng tin học và đang tiến hành làm thủ tục đầu tư.

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sở đã tham mưu UBND thành phố tuyển dụng giáo viên. Trước mắt, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế, ưu tiên nguồn lực hiện có, ký hợp đồng thêm giáo viên để bảo đảm 100% học sinh lớp 3 học Tin học, ngoại ngữ; học sinh lớp 10 được đáp ứng tốt nhất trong việc lựa chọn các tổ hợp môn phù hợp.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh; quan tâm rà soát, hoàn thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng (cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên...) để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là với hai môn học bắt buộc mới được đưa vào chương trình học với học sinh lớp 3.

Với kinh nghiệm triển khai các môn tích hợp ở lớp 6, Trường THCS Mê Linh (huyện Mê Linh) đã có phương án bố trí giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học để dạy môn Khoa học Tự nhiên. “Ngoài việc ưu tiên cho đội ngũ này tham gia bồi dưỡng, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, quyết tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả”, thầy Lê Trung Sơn - Hiệu trưởng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.