Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT và đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002 - 2003 đến nay.
Đúng như ý kiến của cử tri, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đến nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Định hướng nội dung, chú trọng mạch kiến thức trong mỗi môn học nên còn những kiến thức chưa thật cần thiết với lứa tuổi học sinh dẫn đến còn nặng về lý thuyết, không đủ thời gian dành cho học sinh thực hành, vận dụng kiến thức nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, hiệu quả giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế.
Để nâng cao năng lực thực hành cho học sinh, gắn giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giải quyết việc làm của HSSV sau khi ra trường, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai một số giải pháp sau:
Ban hành các văn bản rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học; đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu làm căn cứ để các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường trang thiết bị dạy học, chú trọng xây dựng phòng học bộ môn dành cho thực hành, thí nghiệm; đổi mới tổ chức hoạt động dạy học trong nhà trường để giúp học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, gắn giáo dục nhà trường với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở địa phương... nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 và Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Đây là giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương phân luồng cho đào tạo nghề nghiệp và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của 2 Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình hiện hành nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.