Đánh giá giáo viên trên 3 mặt
Năng lực của người giáo viên là nguồn lực quan trọng nhất trong giáo dục. Nó ảnh hưởng nhiều nhất tới quá trình học tập của học sinh, nhiều hơn bất cứ một chương trình hay chính sách giáo dục nào.
Trong Hợp tác quốc gia về cải tiến chất lượng giáo viên và Bản tuyên bố Melbourne về mục tiêu giáo dục cho thanh thiếu niên Úc, việc nâng cao chất lượng giáo viên được coi là một cải cách cần thiết trong cải thiện chất lượng học sinh và đảm bảo hệ thống giáo dục mang đẳng cấp quốc tế.
Xuất phát từ thực tiễn trên, từ năm 2009 đến 2010, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục, phát triển nhi đồng và thanh thiếu niên, nhóm Chuẩn quốc gia của Hội đồng cấp cao này chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển Chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên.
Theo TS Tôn Quang Cường - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - Chuẩn nghề nghiệp giáo viên được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở thực hiện các hoạt động nghề nghiệp đặc thù, sự gắn kết mật thiết giữa những hiểu biết, khả năng thực hiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình phát triển cá nhân và giá trị nghề nghiệp.
Bộ chuẩn cung cấp cơ sở cho mọi giáo viên tự đánh giá về năng lực của bản thân, giúp định hướng phát triển nghề nghiệp, nâng cao năng lực thực hành nghề, đóng góp cho sự chuyên nghiệp hóa trong giảng dạy, giáo dục và tạo ra vị thế tích cực của nghề trong xã hội.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên của Úc chia theo bốn giai đoạn, được thể hiện trong từng lĩnh vực hoạt động chức năng, từng giai đoạn phát triển nghề nghiệp của giáo viên từ khi mới vào nghề (Graduate); thành thạo nghề (Proficient); có uy tín trong nghề (Highly Accomplished); dẫn dắt và lãnh đạo chuyên môn (Lead).
Cấu trúc Bộ chuẩn này đánh giá trên 3 mặt: kiến thức chuyên môn; thực hành nghề nghiệp và sự tham gia nghề nghiệp; gồm 7 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí, 148 chỉ báo (dấu hiệu mô tả) bao phủ toàn bộ các khía cạnh công việc của giáo viên trong nhà trường trong các giai đoạn phát triển nghề nghiệp cá nhân.
Về kiến thức chuyên môn có 2 tiêu chuẩn để đánh giá là: Hiểu học sinh và hiểu học sinh học như thế nào; Hiểu nội dung và phương pháp giảng dạy.
Về thực hành nghề nghiệp có 3 tiêu chuẩn để đánh giá là: Xây dựng giáo án và thực hiện những phương pháp dạy và học hiệu quả; Tạo ra và duy trì môi trường học tập an toàn và có sự hỗ trợ; Đánh giá, cung cấp phản hồi và báo cáo về quá trình học tập của học sinh.
Về sự tham gia nghề nghiệp có 2 tiêu chuẩn để đánh giá: Tham gia học tập bồi dưỡng chuyên môn; Tham gia nghề nghiệp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và với cộng đồng.
Khung chuẩn hữu ích cho các bên liên quan đến giáo dục
Chi tiết các tiêu chuẩn, TS Tôn Quang Cường cho biết: Về kiến thức chuyên môn, tiêu chuẩn 1 tập trung vào việc đánh giá năng lực hiểu về thể chất, xã hội, sự phát triển trí tuệ và đặc điểm tính cách của học sinh; hiểu về khả năng học tập; hiểu nền tảng ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và kinh tế xã hội của học sinh; có chiến lược giảng dạy cho học sinh dân tộc thiểu số, hải đảo; có năng lực phân hóa trong giảng dạy để đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh; có chiến lược giáo dục hòa nhập, hỗ trợ cho học sinh khuyết tật.
Tiêu chuẩn 2 đánh giá năng lực hiểu nội dung và chiến lược giảng dạy trong lĩnh vực chuyên môn mà người giáo viên đảm nhận; lựa chọn nội dung và tổ chức dạy học; hiểu về chương trình giáo dục và các phương pháp đánh giá; chiến lược về dạy chữ và số; năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Về thực hành nghề nghiệp, tiêu chuẩn 3 đánh giá năng lực xây dựng mục tiêu học tập mang tính thử thách; xây dựng và cấu trúc chương trình; sử dụng các chiến lược giảng dạy; lựa chọn và sử dụng học liệu; giao tiếp hiệu quả trong lớp học; đánh giá và nâng cao chương trình dạy học; thu hút sự tham gia của cha mẹ học sinh (người bảo hộ) vào quá trình giáo dục.
Tiêu chuẩn 4 đánh giá năng lực hỗ trợ học sinh tham gia đầy đủ lớp học; quản lý các hoạt động trong lớp học; quản lý những hành vi có tính thách thức; duy trì sự an toàn của học sinh; sử dụng ICT một cách an toàn, trách nhiệm và có đạo đức.
Tiêu chuẩn 5 đánh giá về năng lực đánh giá học tập của học sinh; cung cấp những phản hồi về học tập của học sinh; đưa ra những đánh giá mang tính so sánh và nhất quán; đọc hiểu dữ liệu của học sinh và báo cáo kết quả học tập của học sinh.
Về sự tham gia nghề nghiệp, tiêu chuẩn 6 đánh giá năng lực tham gia học tập bồi dưỡng chuyên môn. Tiêu chuẩn này tập trung vào đánh giá việc xác định và lên kế hoạch cho việc rèn luyện chuyên môn; tham gia học tập nâng cao chuyên môn và cải thiện thực hành giảng dạy; tham gia cùng với đồng nghiệp cải thiện chuyên môn, nghiệp vụ; áp dụng vào nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Tiêu chuẩn 7 đánh giá mức độ đáp ứng về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp; Tuân thủ theo những yêu cầu, quy định của pháp luật và tổ chức; sự tham gia với cha mẹ học sinh và người bảo hộ; sự tham gia trong cộng đồng giáo dục.
"Bộ Chuẩn là một khung chuẩn hữu ích cho các bên liên quan đến giáo dục như: giáo viên, lãnh đạo nhà trường, các tổ chức giáo viên, hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng. Các nguồn thông tin phục vụ đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên dựa trên bản tự đánh giá của giáo viên, các minh chứng tương ứng, và ý kiến đánh giá của lãnh đạo, đồng nghiệp và cha mẹ học sinh" - TS Tôn Quang Cường cho hay.
Từ Chuẩn nghề nghiệp giáo viên của Úc, chúng tôi nhận thấy, cùng với sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện kinh tế, xã hội và sự đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, việc xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên của Việt Nam cần đổi mới để phù hợp với thông lệ quốc tế, trong xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa là thực sự cần thiết".
TS Tôn Quang Cường