Người thầy phải có tố chất sư phạm và nghệ sĩ

GD&TĐ - Vấn đề đào tạo giáo viên nghệ thuật (GVNT) trong nhiều năm nay đã có sự thay đổi, đáp ứng được yêu cầu dạy và học các môn nghệ thuật tại trường phổ thông. Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì việc đào tạo GVNT hiện nay rất cần có những đổi mới tích cực.

Người thầy phải có tố chất sư phạm và nghệ sĩ

Giáo viên nghệ thuật phải có năng khiếu

Theo TS. Đỗ Quang Minh – Trưởng khoa Tại chức và Đào tạo liên kết, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Giáo dục nghệ thuật là lĩnh vực có tính đặc thù cao. Người học bắt buộc phải có năng khiếu nghệ thuật – yếu tố cần để trở thành một giáo viên dạy nghệ thuật.

Yếu tố đủ là những SV sau khi trúng tuyển vào học, họ phải được người thầy là nhà sư phạm tận tâm, yêu nghề, nhà khoa học, người nghệ sĩ truyền dạy. SV phải được đắm mình trong không gian văn hóa – Nghệ thuật, có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập để thỏa sức thể hiện khả năng sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của mình về hoạt động nghệ thuật theo đúng tính chất của một trường nghệ thuật…

Tất cả các yếu tố ấy được thực hiện một cách đồng bộ, chính là sự tổng hòa góp phần thay đổi căn bản – toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo của trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng và các trường đào tạo giáo viên Nghệ thuật nói chung.

Tuy nhiên vấn đề thi năng khiếu nghệ thuật đầu vào của SV chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu đào tạo giáo viên nghê thuật. Theo Th.S Nguyễn Thị Lệ Huyền – Khoa Sư phạm Âm nhạc – Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Sinh viên hầu như không có sự định hướng chính xác về nghề nghiệp mà mình lựa chọn.

Ví dụ, có SV muốn thi vào trường ĐH Luật, hay trường ĐH nào đó nhưng lại thi vào trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương do ý muốn của bố mẹ hoặc do bạn bè khuyên nhủ… dẫn đến tình trạng sinh viên không có năng khiếu âm nhạc mà vẫn học âm nhạc.

Cũng vậy, nhiều sinh viên mỹ thuật không có năng khiếu về hội họa, nhưng vẫn theo học các chuyên ngành liên quan đến mỹ thuật. Thực trạng SV theo học các ngành nghệ thuật mà không có năng khiếu nghệ thuật thì thật khổ cho trò, sau đển khổ thầy.

Người thầy dạy các môn nghệ thuật phải thật sự tận tâm, yêu nghề

Nếu người học cần yếu tố năng khiếu thì khi họ là SV bước vào con đường học nghệ thuật họ phải được học những thầy, cô là nghệ sĩ, nhà sư phạm – nhà khoa học tận tâm, yêu nghề và nhiệt huyết truyền dạy. Họ nhìn thầy, cô với tấm lòng ngưỡng mộ, khâm phục vì danh hiệu mà các thầy, cô đạt được trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật mà xã hội tôn vinh.

Họ chứng nghiệm lao động nghệ thuật của thầy cô khi thầy/cô sống bằng biểu diễn, tham gia show, làm SD âm nhạc cá nhân, sáng tác âm nhạc, sáng tác tranh… Nhưng trên bục giảng các thầy, cô vẫn thăng hoa, truyền dạy tận tâm với mong muốn học trò của mình sau này là một nhà sư phạm tốt – một nghệ sĩ có những đóng góp cho xã hội trên phương diện nghệ thuật.

Phải nói rằng, trong con người họ luôn tồn tại 2 phẩm chất của nhà sư phạm và người nghệ sĩ. Hai phẩm chất này tác động tương hỗ nhau. Phẩm chất nghệ sĩ là cốt lõi của tư duy sáng tạo trong lao động nghệ thuật, là mem say, là sự thăng hoa mà người thầy nghệ thuật cần có.

Phẩm chất sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học, cái tâm, sự nhiệt huyết truyền dạy với phương pháp bài bản có kế thừa và sáng tạo, sẽ tạo nên chất lượng trong đào tạo của một trường sư phạm nghệ thuật.

Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật phải đáp ứng yêu cầu cơ bản việc dạy học

Theo Th.S Nguyễn Quang Hải – Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Về trình độ đội ngũ GV mỹ thuật cơ bản là đáp ứng được yêu cầu của dạy học mỹ thuật ở trường phổ thông, tuy nhiên còn nhiều bất cập: trên phạm vi cả nước, ở cấp THCS hiện nay có gần 7.000 GV mỹ thuật trong đó trình độ đại học chiếm gần 6% trình độ cao đẳng chiếm gần 60% còn lại là GV có trình độ trung cấp.

Hiện còn thiếu 1.200 GV Mỹ thuật. Lực lượng GV mỹ thuật ở trình độ ĐH được đào tạo chủ yếu là chương trình sư phạm mỹ thuật, tương đối đạt chuẩn. Các GV ở trình độ cao đẳng từ nhiều chương trình: có trường chuyên đào tạo GV mỹ thuật (ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ĐH Sư phạm Hà Nội, CĐ Sư phạm Trung ương…) theo chương trình 1 môn 75 đơn vị học trình chuyên môn, có trường đào tạo dạy 2 môn hoặc môn chính, phụ (đa số các trường CĐ địa phương) 45 đơn vị học trình và 30 đơn vị học trình dành cho mỹ thuật.

Cơ sở đào tạo GV mỹ thuật có ở các trường sư phạm, trường văn hóa Nghệ thuật, các cơ sở liên kết đào tạo do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đồng đều. Có giáo viên nặng về chuyên môn sâu, có GV yếu về chuyên môn thì nặng về thủ thuật, kỹ thuật dạy học. Đây là những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ GV mỹ thuật ở phổ thông.

Các GV THCS hiện nay chủ yếu là đáp ứng ở mức độ bình thường về năng lực hoạt động mỹ thuật. Trong đó khả năng vẽ hình (ghi chép thực tế, minh họa) còn hạn chế. Ở phân môn Mỹ thuật thường thức: Việc ít bổ sung, cập nhật kiến thức, nặng về kiến thức lịch sử, tham thuyết trình, lý thuyết, ít chú trọng tới truyền đạt giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm nghệ thuật dẫn tới thưởng thức mỹ thuật trở nên nặng nề, nhàm chán.

Nguyên nhân do HS đông, lớp chật, khó hoạt động nhóm; Nguyên vật liệu khó đáp ứng cho dạy học ở vùng sâu, vùng xa; Năng lực sư phạm, trình độ giải quyết vấn đề trong quá trình dạy học còn hạn chế.

Trong bối cảnh đội ngũ cán bộ giảng viên nhận thức được nhiệm vụ: Đào tạo đội ngũ giáo viên mỹ thuật đáp ứng yêu cầu đảm bảo dạy được chương trình, sách giáo khoa mỹ thuật ở phổ thông.

Với phương châm “chuyên môn và nghiệp vụ học lý thuyết gắn với thực tiễn” Chương trình Sư phạm Mỹ thuật hàng năm được rà soát, cải tiến nhằm đáp ứng với thực tiễn dạy học. Các môn mới được đưa vào chương trình: Bố cục chất liệu sơn dầu, lụa, tranh khắc và sơn mài nhằm tăng cường năng lực thực hành, am hiểu sâu hơn về các chất liệu trong phân tích, giới thiệu tác giả, tác phẩm mỹ thuật.

Song song với việc nâng cao năng lực thực hành, năng lực lý luận cũng được chú trọng. Sinh viên được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học.

GDNT là điều hết sức quan trọng không thể thiếu trong hoàn thiện nhân cách con người. Do vậy việc quảng bá cách nhìn nhận trong tư duy của xã hội rất cần sự chia sẻ chung tay của các cấp lãnh đạo để GDNT có thể phát triển mạnh mẽ và có chỗ đứng xứng đáng với tầm quan trọng của nó trong xu thế hội nhập và phát triển của toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ