Nhiều giải pháp giảm tải nội dung dạy học

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Quảng Bình đề nghị:

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ GD&ĐT tiếp tục giảm tải nội dung giáo dục đi kèm với giảm tải thời gian học bắt buộc, gói gọn chương trình học bắt buộc trong 1 buổi, buổi còn lại nên dành cho việc tự học, tự nguyện đăng ký học theo năng khiếu để phát huy tối đa sở trường của HS. 

Bộ GD&ĐT cho biết: Việc giảm tải nội dung dạy học được Bộ GD&ĐT thực hiện trong nhiều năm qua. Năm học 2019 - 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi  điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học với giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia, GV có kinh nghiệm tiến hành rà soát, nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn địa phương trong việc tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 theo nguyên tắc: 

Chỉ điều chỉnh nội dung dạy học với thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020; không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; sử dụng thời gian HS đi học trở lại và thời gian đầu của năm học 2020 - 2021 (nếu cần thiết) để bổ sung các nội dung kiến thức trước khi thực hiện chương trình năm học mới; tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp, ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn học bắt buộc; tăng cường dạy học qua Internet và trên truyền hình.

Năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu từ lớp 1. Với các lớp học còn lại, mặc dù chưa áp dụng chương trình nhưng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục là phải ứng dụng phương pháp giáo dục mới theo định hướng của Chương trình GDPT mới vào dạy học. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo môn học, xây dựng kế hoạch giáo dục của các môn học nhằm giảm tải nội dung dạy học. Bên cạnh đó, Bộ tổ chức các tiểu ban nghiên cứu điều chỉnh nội dung và hướng dẫn dạy học để thực hiện từ năm học 2020 - 2021. Hướng dẫn này sẽ được sử dụng ổn định trong các năm học tiếp theo cho đến khi các lớp học thực hiện Chương trình GDPT mới.

Việc dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học và THCS hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện bảo đảm chất lượng của bậc tiểu học, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc giáo dục trẻ em của gia đình và xã hội, góp phần giải quyết vấn đề quá tải và dạy thêm học thêm tràn lan ở các trường phổ thông. Việc dạy học 2 buổi/ngày chỉ tổ chức ở những nơi có nhu cầu và có tự nguyện của phụ huynh HS, được sự đồng ý của các cấp quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Nội dung buổi thứ 2 để rèn luyện các kỹ năng, ôn luyện kiến thức, hoạt động vui chơi… và không dạy chương trình mới mà chỉ tổ chức ôn luyện kiến thức cơ bản và các kỹ năng mà buổi sáng các em chưa nắm vững; đồng thời nâng cao và mở rộng kiến thức cho HS khá giỏi.

Chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học (năm học 2020 - 2021 triển khai đại trà ở lớp 1) được thiết kế để dạy 2 buổi/ngày, với thời lượng mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết không quá 35 phút nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, giáo dục kỹ năng sống cho HS, đồng thời hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.