Tiểu học sẽ dạy môn bắt buộc ở tiết tăng thêm
Theo văn bản của Sở GD&ĐT Nghệ An, thời gian học sinh trở lại trường học tập phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Do đó các đơn vị cần xây dựng kế hoạch dạy học theo nhiều phương án, kịch bản khác nhau để chủ động áp dụng cho học sinh.
Đối với bậc tiểu học, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các trường điều chỉnh, bổ sung kế hoạch dạy học theo các giải pháp sau: Cắt giảm các tiết học tăng thêm, ưu tiên bố trí dạy học hoàn thành chương trình các môn học bắt buộc.
Rà soát, tinh giản nội dung dạy học, hoạt động giáo dục (giáo dục tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp), xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại công văn số 4612 của Bộ GD&ĐT.
Bằng nhiều hình thức, hướng dẫn cho học sinh học tập trong thời gian nghỉ phòng dịch như giao bài, nhiệm vụ học tập qua ứng dụng zalo, facebook, email, dạy học trực tuyến, trên truyền hình ở những nơi có điều kiện.
Sau khi học sinh đi học trở lại, bố trí dạy học tăng buổi, tối đa không quá 10 buổi/tuần, không quá 7 tiết/ngày, không bố trí học vào thứ 7, Chủ nhật.
Ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GG&ĐT Nghệ An cho biết: Theo nội dung giảm tải vừa được Bộ ban hành theo Công văn 1125, lớp 1 học 1 buổi/ngày, 23 tiết/tuần. Trong khi thực tế ở Nghệ An 100% trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, học 28 - 32 tiết/tuần, tăng thêm ngoài chương trình bắt buộc của Bộ quy định từ 5 - 7 tiết. Trên cơ sở này, Sở đã chỉ đạo các trường tiểu dành buổi tăng thêm dạy các môn bắt buộc sau khi học sinh đi học trở lại.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT ban hành danh mục giảm tải từ tuần 19 đến tuần 35, trong khi đa số học sinh tiểu học Nghệ An đã hoàn thành tuần 21 (học nhiều hơn 1 - 2 tuần so với cả nước).
Dạy học và kiểm tra kiến thức cơ bản, cốt lõi
Đối với bậc THCS, THPT, Sở yêu cầu các trường cần rà soát nội dung dạy học các môn học học kỳ II trong kế hoạch giáo dục năm học 2019 - 2020 của nhà trường để thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học.
Quá trình thực hiện, đối với các nội dung “Không dạy”, “Không thực hiện”; “Không yêu cầu”, “Không làm”, “Không bắt buộc”, “Không thực hành” thì không tổ chức dạy học.
Đối với các nội dung “Tự học có hướng dẫn”, “Tự làm có hướng dẫn”, “Tự đọc có hướng dẫn”, “Hướng dẫn tự ôn tập”, “Hướng dẫn thực hành ở nhà”, “Hướng dẫn tự đọc và thực hành ở nhà”, yêu cầu giáo viên phải có hướng dẫn phù hợp với đặc thù bộ môn để học sinh thực hiện. Từ đó có được những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi phục vụ việc học tập tiếp theo; chú ý vấn đề an toàn cho học sinh trong quá trình thực hiện.
Đối với nội dung “Khuyến khích học sinh tự học” (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện), căn cứ vào tình hình thực tế, năng lực của học sinh, sự liên quan của kiến thức, kỹ năng trong phần được hướng dẫn “Khuyến khích học sinh tự học” với chương trình tiếp theo để lựa chọn nội dung phù hợp, hướng dẫn, khuyến khích học sinh thực hiện.
Đối với nội dung “Tích hợp thành một bài”, “Tích hợp vào bài…”, “Tích hợp thành một mục”, “Tích hợp thành một chủ đề” thì khi thiết kế cần lựa chọn những nội dung cơ bản, cốt lõi, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng, sắp xếp lại thành mạch nội dung kiến thức logic. Từ đó, xác định các nội dung có thể dạy học qua Internet, trên truyền hình, các hình thức khác và các nội dung cần tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp.
Đối với nội dung “Lồng ghép trong các nội dung bài học” thì cần xác định các bài học phù hợp với nội dung kiến thức lồng ghép, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.
Đối với các môn học thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục căn cứ vào Công văn số 1113/BGD ĐT-GDTrH để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù của môn học.
Đối với các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, các đơn vị chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn cơ sở giáo dục.
Sở cũng yêu cầu, sau khi đã điều chỉnh nội dung dạy học các môn học học kỳ II năm học 2019 - 2020, các nhà trường tiếp tục rà soát lựa chọn nội dung để tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình và các hình thức khác phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương.
Khi học sinh đi học trở lại, cần bố trí thời lượng phù hợp để thực hiện việc rà soát, ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng ở các phần học sinh đã học; dạy học các nội dung chưa học và thực hiện các bài kiểm tra định kỳ.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng lưu ý không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn 5842 và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự học” theo Công văn số 1113 của Bộ GD&ĐT.