Kiến thức được dạy gộp theo chủ đề
Nhận định về dung lượng kiến thức, cô Trần Thu Hoa, giáo viên (GV) môn Tiếng Việt, hệ thống Giáo dục Hocmai, cho rằng, số lượng nội dung lược bỏ hoàn toàn không nhiều, chủ yếu hướng đến gộp các bài dạy cùng chủ đề, nhiều phần kiến thức học sinh tự thực hành ở nhà để rèn tinh thần tự giác học bài.
Với những nội dung tinh giản này hầu như sẽ không có ảnh hưởng nhiều về mặt kiến thức, ngược lại, GV sẽ chủ động hơn trong việc dạy theo chủ đề, không bị tách thành các tiết nhỏ, không liền mạch (ví dụ như những bài tập làm văn về văn kể chuyện). Học sinh cũng sẽ dễ dàng ghi nhớ kiến thức, cách làm những bài chính tả được dạy gộp vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa giúp học sinh đơn giản hóa những nội dung kiến thức đã học.
Về mức độ kiến thức, cô Trần Thu Hoa nhận định, cơ bản các nội dung kiến thức trọng tâm trong chương trình vẫn giữ nguyên nên học sinh vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng hiện hành. Kiến thức được dạy gộp theo chủ đề là cách xử lí tương đối hợp lí nhằm phát triển năng lực của người dạy và người học trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Có thể nhận thấy tinh thần chung về điều chỉnh đang được áp dụng cho môn Tiếng Việt khối tiểu học hướng đến tinh giản một số nội dung học tập học sinh có thể tự làm việc, dạy học theo chủ đề. Cô Trần Thu Hoa nêu cụ thể:
Chính tả: Học sinh học những kiến thức trọng tâm, phần luyện viết sẽ được thực hành ở nhà (rèn kĩ năng tự giác). Gộp hai tiết chính tả trong cùng một tuần thành một bài, GV được lựa chọn một trong hai để dạy. Hai bài chính tả trong một tuần thường có nội dung gần và giống nhau, đều củng cố kĩ năng nghe – viết và phân biệt chính tả trên cùng một đơn vị kiến thức như l/n, tr/ch… nên việc điều chỉnh là rất hợp lí. Để đảm bảo học sinh đủ cơ hội để thực hành và ghi nhớ, GV cũng có thể mở rộng hơn số lượng và chất lượng các dạng bài tập.
Tập làm văn: Gộp các kỹ năng làm văn (ở các tuần) vào một chủ đề chung. Giảm lược các nội dung không quan trọng nên lượng kiến thức trong cả chương trình mà học sinh cần nắm được không bị ảnh hưởng nhiều. GV có thể giới thiệu, nhắc qua cho HS.
Tập đọc: Các bài thơ chuyển sang tự học thuộc lòng ở nhà, như vậy học sinh cần chủ động tiếp cận văn bản và ghi nhớ nội dung, ý nghĩa. Với đặc thù thể loại thơ dễ thuộc, dễ nhớ nên việc tự học thuộc sẽ không gây khó khăn cho học sinh. Tuy nhiên, GV và phụ huynh cần có hình thức đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra tình hình học các bài tập đọc này của học sinh.
Luyện từ và câu: Tùy từng lớp học, chương trình đã giảm số lượng ý trong câu hỏi, giảm bớt các yêu cầu thực hành hoặc giữ nguyên. Phần giảm số câu hỏi không ảnh hưởng nhiều tới lượng kiến thức và kĩ năng thực hành của học sinh.
Lưu ý với người dạy và người học
Với điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, cô Trần Thu Hoa lưu ý học sinh cần chủ động với những phần kiến thức tự học ở nhà. Đây là cơ hội để cả GV và học sinh học cách thích nghi và thay đổi. Tình hình học tập hiện tại yêu cầu học sinh cần chủ động, tự giác tìm hiểu các nội dung tự học.
Học sinh cần có một thời khóa biểu và lịch học hợp lí, cân đối; tìm hiểu thêm các nguồn tư liệu mở rộng bên ngoài sách giáo khoa để củng cố và tăng cường vốn kiến thức, không quá lan man vào những nội dung được giảm tải.
Với những giờ học theo chủ đề (gộp nhiều bài), để GV và học sinh có thể tổ chức giờ dạy và học hiệu quả, theo cô Trần Thu Hoa, nên điều chỉnh thời gian học hợp lý.
Để phát triển năng lực người dạy và người học, GV nên triển khai tiếp cận từ những nội dung cụ thể sau đó khái quát cách làm (học) của từng kiểu bài để học sinh có thể áp dụng vào nhiều đề bài khác nhau.