Nhiều dự án phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào Raglai

GD&TĐ - Bác Ái (Ninh Thuận) là một trong số những huyện miền núi nghèo nhất cả nước, có 10 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, chiếm trên 87%.

 Nhờ được cán bộ đảng viên hướng dẫn, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bác Ái đã thay đổi tập quán sản xuất, chuyển sang trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả cao.
Nhờ được cán bộ đảng viên hướng dẫn, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bác Ái đã thay đổi tập quán sản xuất, chuyển sang trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả cao.

Theo báo cáo của UBND huyện Bác Ái, từ năm 2014 đến nay triển khai Chương trình 30a của Chính phủ, với tổng kinh phí phân bổ hơn 200 tỷ đồng huyện đã đầu tư 222 hạng mục công trình thiết yếu nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông nội đồng, đường giao thông đến các khu sản xuất; công trình phục vụ về hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục… Ngoài ra, huyện đã thực hiện được 124 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững.

Ông Mẫu Thái Phương, Bí thư huyện ủy Bác Ái cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng, đó là huyện tập trung triển khai thực hiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Huyện đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển chuỗi giá trị hàng hóa; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết “4 nhà” và các mô hình có hiệu quả, điển hình là mô hình trồng bưởi da xanh, bắp nếp, heo đen…

Ngoài bưởi da xanh, nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Bác Ái còn trồng thêm thanh long tăng thu nhập.

Ngoài bưởi da xanh, nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Bác Ái còn trồng thêm thanh long tăng thu nhập.

Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân để phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển trang trại giai đoạn 2014-2019, với tổng dư nợ 200 tỷ đồng. Nhìn chung, người dân đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và tập trung chủ yếu cho trồng trọt, phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sự nghiệp giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội cũng được chú trọng hơn trước, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được chính quyền các xã, triển khai thực hiện kịp thời tại các tuyến cơ sở, vì vậy số lượt người khám chữa bệnh ở cơ sở y tế những năm gần đây, tăng so với năm trước, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Trong đó, 100% đối tượng chính sách, đồng bào DTTS được hỗ trợ BHYT; Toàn huyện có 35 trường học với 711 giáo viên đạt chuẩn 100%, tổng số học sinh huy động đầu năm học 2018-2019 là 7.688 học sinh.

Một trong những giải pháp được huyện Bác Ái triển khai là, phân công cán bộ đảng viên giúp đỡ các gia đình DTTS thay đổi tập quán để sản xuất hiệu quả hơn. Đơn cử như, gia đình anh Pi năng Huy ở thôn Ma Lâm, xã Phước Tân có năm sào đất, trước đây trồng bắp, đậu. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì gia đình anh có cái ăn, cái mặc, còn năm nào hạn hán thì đối mặt với nạn đói giáp hạt. Từ ngày được đảng viên A Ðớ Ngói, Trưởng thôn Ma Lâm vận động thay đổi cách làm, gia đình anh Huy mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng bưởi da xanh và đầu tư chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao. Anh Huy kể: Nhờ có anh Ngói hướng dẫn mình cách sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng; phòng bệnh, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Mình làm theo, nên giờ kinh tế gia đình đã được cải thiện.

Nói về kinh nghiệm vận động hộ nghèo, anh A Ðớ Ngói chia sẻ: Tôi thường xuyên đến từng nhà để vận động. Dựa vào điều kiện sản xuất từng hộ, tôi tư vấn nên chuyển sang trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi khoa học. Tôi cũng tư vấn bà con vay vốn để thực hiện các mô hình...

Phát huy những kết quả trên, huyện Bác Ái đang tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.“Phấn đấu đến năm 2024 giảm 5-7% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, chú trọng đầu tư lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”, ông Mẫu Thái Phương cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ