Lối mở nào cho giảm nghèo ở cộng đồng dân tộc Mảng?

GD&TĐ - Người Mảng ở Lai Châu hiện sinh sống chủ yếu ở 2 huyện biên giới Mường Tè và Nậm Nhùn, với dân số gần 5.700 người. Là một trong những dân tộc đặc biệt khó khăn của cả nước. 

Những ngôi nhà lụp xụp của đồng bào Mảng tại xã Bum Nưa huyện Mường Tè
Những ngôi nhà lụp xụp của đồng bào Mảng tại xã Bum Nưa huyện Mường Tè

Nhiều năm qua đồng bào dân tộc Mảng đã được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu tiên, đặc biệt của Đảng và Nhà nước, thế nhưng phong tục tập quán lạc hậu, cộng với các tệ nạn xã hội nên nhiều năm trôi qua người Mảng vẫn bế tắc chưa tìm được lối thoát nghèo.

Năm 2016, gia đình anh Lò A Hơn, sinh năm 1983, ở xã Pa Vệ Sủ được Nhà nước hỗ trợ từ tôn làm nhà ở đến giống cây trồng, phân bón,… để ổn định và phát triển kinh tế, thế nhưng đến nay kinh tế gia đình anh Hơn vẫn không có gì khá hơn, vẫn thuộc diện hộ nghèo.

“Được hỗ trợ nhiều rồi, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chỉ kiếm măng, sắn ăn qua ngày thôi. Cả vợ chồng tôi đều uống rượu nhiều, biết khổ nhưng không bỏ được mà chỉ hạn chế được thôi. Dân tộc tôi ở đây, hầu như nhà nào cũng vậy”,

Ông Vàng Hà Chóng, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết, trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ, đồng bào dân tộc Mảng có 26 hộ, 105 nhân khẩu thì 100% hộ vẫn thuộc diện hộ nghèo, mặc dù bà con đều đã được hưởng tất cả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước.

Cũng như dân tộc Mảng ở xã Pa Vệ Sủ, xã Bum Nưa có 37 hộ, 165 nhân khẩu thì 100% vẫn trong diện hộ nghèo. Bà Vàng Thị Thánh, Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: Cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng người Mảng, bởi lẽ dù các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đẩy lùi các tệ nạn nghiện rượu, nghiện hút mà tập trung làm ăn phát triển kinh tế, thế nhưng, khó lắm!

“Đồng bào Mảng nơi đây, không chỉ có người chồng nghiện mà thậm chí cả vợ cũng nghiện, bỏ bê làm ăn, khi đói thì lên rừng kiếm măng, kiếm sắn ăn qua ngày”, bà Thánh chia sẻ.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Tè, đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện có 218 hộ thì có 192 hộ nghèo còn lại là hộ cận nghèo.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân đồng bảo Mảng vẫn mãi trong lõi nghèo, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Kỹ thuật canh tác lạc hậu; giao thông cách trở, thiếu vốn, thiếu thông tin, thiếu đất, thiếu tư liệu, phương tiện sản xuất; mặt khác nhận thức bà con hạn chế, phần lớn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cộng với nghiện rượu, nghiện hút khiến cơ thể suy nhược, ốm yếu, không chú tâm làm ăn là những nguyên nhân dẫn đến khó giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Mảng”.

Cũng theo ông Hiển, để đồng bào Mảng vươn lên phát triển, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là chăm sóc sức khỏe cho bà con; Phát triển giáo dục cho con em từ cấp mầm non; tuyên truyền người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”, xây dựng các bản không ma túy… Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận với nếp sống mới, xóa dần các tệ nạn và hủ tục.

Theo ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, để giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Mảng, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì cần phải phát huy được vai trò, tiếng nói của Người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mảng. Đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc Mảng về công tác tại địa phương;…Đặc biệt cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, các tệ nạn xã hội (nghiện rượu, nghiện hút,…). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.