Trong số này, 59 công trình tiêu biểu nhất đã được lựa chọn, tập trung vào các lĩnh vực chính là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học giáo dục - ngoại ngữ.
Những công trình thuộc khối khoa học tự nhiên - kỹ thuật được nhận định là hướng tới các vấn đề mới và có tính ứng dụng cao; công trình khoa học xã hội thể hiện tính đa dạng trong nghiên cứu; thể hiện công phu những vấn đề văn hóa, xã hội mang tính thời sự, thiết thực.
Nhóm ngành Khoa học giáo dục và ngoại ngữ có 13 công trình tham dự hội nghị. Các công trình tập trung vào đề tài lý luận và trình bày phương pháp giảng dạy sáng tạo ở các bậc học.
TS Trần Mạnh Cường - Phó Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội - cho biết: Các báo cáo khoa học mà ban tổ chức nhận được thể hiện các kết quả nghiên cứu nghiêm túc, có chất lượng của sinh viên, hướng nghiên cứu đa dạng, cập nhật, thời sự.
Đặc biệt, một số công trình thể hiện tính ứng dụng cao và có nhiều khả năng được áp dụng trong thực tế.
Một số công trình khoa học chuyên ngành được viết bằng ngoại ngữ khá tốt, thể hiện khả năng nghiên cứu và hội nhập của sinh viên.
Theo TS Trần Mạnh Cường, các kết quả này chính là điều kiện tốt nhất khẳng định khả năng của sinh viên trong làm việc, nghiên cứu sau khi ra trường.
Bên cạnh những kết quả tích cực, TS Trần Mạnh Cường cũng đưa ra một số lưu ý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Cụ thể, sinh viên cần chủ động và sáng tạo hơn trong nghiên cứu khoa học, cần trau dồi và cập nhật hơn nữa các kiến thức khoa học chuyên ngành; tận dụng hiệu quả, hợp lý sự hướng dẫn, góp ý của các giảng viên hướng dẫn, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Sinh viên cũng cần biết sắp xếp thời gian hợp lý của việc nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ học chế tín chỉ.
Đề tài nghiên cứu của sinh viên đa số nằm trong nội dung của luận văn tốt nghiệp, nếu có thể, các giảng viên, thầy cô hướng dẫn, đặc biệt là các cán bộ trẻ nên tạo điều kiện để sinh viên làm việc trong đề tài nghiên cứu của mình.