Giá trị của thực tiễn
Trong bối cảnh ngành GD&ĐT đang triển khai mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà thì đổi mới hoạt động KH&CN trong các trường đại học nói chung, NCKH của sinh viên nói riêng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
Chất lượng Giải thưởng "Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam" năm nay, theo đánh giá của các chuyên gia là khá tốt, Giải thưởng đã quy tụ được khá nhiều đề tài NCKH của SV có tính mới, tính sáng tạo, có nội dung phong phú và một số đề tài có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Chất lượng giải cũng phản ánh chất lượng của các công trình NCKH, vậy tính thực tiễn của các giải thưởng được trao năm nay như thế nào, thưa ông?
- Điểm nổi bật của cuộc thi năm nay so với các năm trước là tính khoa học và tính thực tiễn của các đề tài tham gia dự Giải. Từ kết quả nghiên cứu của một số đề tài đạt giải, nhiều SV đã có các công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế (do SV trực tiếp đứng tên) hay sản phẩm đề tài được áp dụng vào thực tế.
Xin ông cho biết: Từ thực tiễn hoạt động NCKH nói chung và trong SV nói riêng ở các trường đại học hiện nay, có mối liên hệ nào giữa đào tạo – nghiên cứu và chất lượng đào tạo không?
- Nghiên cứu khoa học là sức sống của một trường đại học. Điều đó đúng không chỉ với các thầy cô giáo mà còn đối với tất cả SV đang ngồi trên ghế nhà trường. Việc NCKH đối với SV không những củng cố kiến thức đã học mà còn phát huy tính năng động, sáng tạo trong tiếp cận các vấn đề khoa học, khám phá các giải pháp công nghệ phù hợp để giải quyết những vấn đề đáp ứng nhu cầu thực tế. Thông qua NCKH, SV sẽ tạo cho mình khả năng làm việc độc lập, thói quen nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập và công tác sau này. NCKH sẽ thực sự trở thành nguồn động lực, gây dựng những ước mơ, hoài bão để sinh viên trở thành những cán bộ khoa học tương lai.
Vì vậy, NCKH của SV đã trở thành một hoạt động cần thiết và bổ ích trong trường đại học, thu hút được đông đảo SV tham gia, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Bởi suy cho cùng, chất lượng luôn là vấn đề quan trọng nhất của tất cả các trường đại học, và việc phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ cơ sở đào tạo đại học nào.
Hoạt động này ngày càng được các trường chỉ đạo, tổ chức một cách bài bản, hệ thống. Các trường đã thực sự coi hoạt động NCKH của SV là hoạt động không thể thiếu được trong quá trình đào tạo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xu thế hội nhập và phát triển, phấn đấu vì một nguồn nhân lực chất lượng cao trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH, thực hiện chiến lược CNH - HĐH đất nước.
PGS.TS Tạ Đức Thịnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường |
Cần được đẩy mạnh
Đúng là một trường đại học sẽ càng có uy tín hơn khi đẩy mạnh có hiệu quả các hoạt động NCKH. Tuy nhiên, nhiều nhà trường cho rằng vẫn chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích giảng viên, SV ở các trường đại học tham gia NCKH. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định về hoạt động NCKH của SV trong các cơ sở GDĐH (theo Thông tư số 19/2012/TT - BGDĐT ngày 1/6/2012). Trong đó, Bộ giao quyền tự chủ cho các trường đại học quy định về việc đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động NCKH của SV theo kế hoạch KH&CN của trường đại học; quy định số giờ NCKH cũng như mức tăng thêm số giờ NCKH cho người hướng dẫn đối với đề tài NCKH của SV được đánh giá xếp loại xuất sắc hoặc được triển khai ứng dụng vào thực tiễn; quy định các hình thức khen thưởng đối với cán bộ, giảng viên, SV có thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH của SV.
Tất nhiên trong điều kiện còn nhiều khó khăn của các trường đại học hiện nay, các chính sách khuyến khích giảng viên, SV ở các trường đại học tham gia NCKH chưa đủ mạnh để tạo động lực thật sự, nhưng đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng của ngành để các cấp quản lý và các cơ sở có căn cứ triển khai đẩy mạnh công tác NCKH của SV.
Ông có điều gì gửi gắm các “Tài năng khoa học trẻ” cũng như các nhà trường nhân kết thúc một năm NCKH đầy hiệu quả và chất lượng như đánh giá?
- Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2013 dành cho SV được triển khai từ đầu năm học 2012 - 2013 (tháng 9/2012) và đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tôi mong rằng các em SV đạt giải sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, say mê hơn nữa với NCKH, trau dồi kiến thức kỹ năng, rèn đức, luyện tài để trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, để có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Với mục đích tăng số lượng cũng như chất lượng hoạt động NCKH của SV trong các trường đại học, tạo ra một lớp các nhà NCKH trẻ, năng động, sáng tạo phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, thì các trường đại học cần xây dựng và triển khai kế hoạch NCKH của SV gắn kết chặt chẽ với kế hoạch hoạt động KH&CN của trường...Tổ chức các giải thưởng, các hình thức phù hợp với SV để đẩy mạnh công tác NCKH; Mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ, bảo trợ hoạt động NCKH của SV…
Ngoài ra, bản thân SV cần có lòng nhiệt huyết và say mê NCKH. Hướng nghiên cứu ban đầu bao giờ cũng rất khó và rộng. SV hãy mạnh dạn nhìn lại khả năng nghiên cứu của mình để tìm tới sự trợ giúp của giảng viên khi cần thiết, không nản lòng trong công tác NCKH mới có thể gặt hái được thành công.
Xin cám ơn ông!