Nhiều cơ hội việc làm ngành Du lịch

GD&TĐ - Nguồn nhân lực ngành du lịch hiện mới đáp ứng được khoảng một phần ba so với nhu cầu. Đây được xem là một thách thức lớn trong đào tạo nhân lực, đồng thời cũng là những cơ hội mới cho giới trẻ.

Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho giới trẻ
Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho giới trẻ

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40 nghìn lao động. Trong khi đó, hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng,… - mới chỉ cung cấp được khoảng 15 nghìn người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) cũng cho thấy, với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực ngành du lịch làm việc trực tiếp, ước tính cần 620 nghìn người và đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành du lịch tăng lên khoảng 870 nghìn lao động trực tiếp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 là 7,0%/năm.

Ngành du lịch nước ta đã và đang có bước phát triển tốt về quy mô và chất lượng, thu hút hàng chục triệu du khách quốc tế mỗi năm, góp phần nâng cao tỷ trọng thu nhập GDP; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, ngành cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là vấn đề về xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng huy động cộng đồng, các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, nhưng nhìn chung nhân lực ngành Du lịch vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch cho rằng: nhân lực ngành du lịch hiện đang gặp ba vấn đề yếu kém là kỹ năng nghề, giao tiếp và ngoại ngữ. Vì vậy, trong đào tạo, thời lượng thực hành phải chiếm từ 70% trở lên mới có thể có được nhân sự theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, phát triển nhân lực du lịch, trong đó, tập trung vào nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang lập đề án về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, từ nay đến cuối năm sẽ trình Chính phủ để có những hỗ trợ về học phí, học bổng về đào tạo trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.