Nhiếp ảnh: Nghề hấp dẫn giới trẻ

GD&TĐ - Nhiếp ảnh được xem là một nghề có sức hấp dẫn đối với nhiều người. Không chỉ ghi lại những khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống và cái đẹp mà nó còn thể hiện được tư duy sáng tạo nghệ thuật của người chụp ảnh. Quan trọng hơn, nhiếp ảnh còn là một cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn giới trẻ.

Nhiếp ảnh chụp đám cưới tại các điểm dã ngoại.
Nhiếp ảnh chụp đám cưới tại các điểm dã ngoại.

Sáng tạo trong không gian mở

Trong lĩnh vực báo chí là vị trí phóng viên ảnh, mở rộng hơn đến với xã hội, ảnh nghệ thuật đang tạo sức hút lớn đối với các bạn trẻ.

Kể về một buổi chụp ảnh chuyên nghiệp với chủ đề áo dài Hà Nội xưa, anh Trần Ngọc Điệp, người đã có hơn 15 năm kinh nghiệm cầm máy chia sẻ: Với chủ đề này, cảnh được chọn có thể là một ngôi chùa cổ hoặc cổng làng, ngôi nhà cổ thời Pháp thuộc, trang phục và đạo cụ cũng phải phù hợp với thời gian, bối cảnh, ví dụ như hoa sen, nón lá, xe đạp...

Các khuôn hình được tuân thủ theo ý tưởng ban đầu. Sáng tạo ảnh chụp trong không gian ngoài trời sẽ mang đến nhiều cảm hứng sáng tác hơn so với không gian bó hẹp trong các studio, khi đó người chụp ảnh sẽ phải xử lý nhiều vấn đề kỹ thuật cho ánh sáng.

Nếu góc máy không hợp lý, sẽ dẫn đến việc làm lộ các điểm bất lợi của khuôn hình, mất đi những lợi điểm nghệ thuật của chủ thể khách hàng.

Anh Điệp cho biết, quá trình làm việc được tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, tất nhiên cũng có người khó tính, dễ tính… nhưng nhìn chung, số đông đều rất nhiệt tình hợp tác để cùng tạo ra được những tác phẩm theo ý tưởng ban đầu.

Người làm ảnh, khi tạo được những sản phẩm để khách hàng ưng ý thì cũng đã được xem như là một thành công.

Những tấm hình ưng ý

Để có thể chụp được những bức ảnh ưng ý, cần phải tìm hiểu kỹ về khách hàng, chuẩn bị máy ảnh, thiết bị, ống kính, phụ kiện… và quan trọng là khâu trao đổi và thống nhất ý tưởng với khách hàng từ ban đầu.

Ngoài chủ đề đã được phác thảo từ trước, việc chụp ảnh cho khách cũng không nhất thiết phải chuẩn bị sẵn quá nhiều ý tưởng.

Khi tiếp cận với khách hàng ở không gian thực tế sẽ gợi mở những ý tưởng mới cho người chụp ảnh. Đây có thể được coi là một “bí kíp” của nghề, cảm giác này của người chụp ảnh có được nhờ sự quan sát tổng thể không gian, cùng với việc tiếp xúc với khách hàng và nắm bắt được những biểu cảm của họ trong sự kiện.

“Bấm” được đúng khoảnh khắc ấn tượng nhất, người thợ ảnh phải có kinh nghiệm và thực sự tâm huyết với công việc, đây là những tấm ảnh khá ngẫu hứng và có giá trị nghệ thuật cao.

Tuy nhiên, khi chụp theo chủ đề, việc phổ biến hơn là yêu cầu khách hàng “diễn” lại một tình huống theo một ý tưởng sáng tạo mới, phù hợp với tâm thế của khách hàng…

Đối với những khách hàng vui vẻ, dí dỏm và hợp tác, thì công việc thường rất trôi chảy và nội dung của buổi chụp sẽ rất chất lượng với nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, riêng biệt.

Ngược lại, khách hàng đang trong tâm trạng không vui hoặc không thoải mái vì những lý do ngoài lề, thì công việc ít nhiều đều cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Nghề nghiệp bền vững

Với anh Điệp, đây là một công việc đam mê và mang lại cho anh nhiều giá trị từ cảm hứng nghệ thuật sáng tạo cho đến thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Anh Điệp chia sẻ: “Đến thời điểm này, tôi cảm thấy sự đúng đắn khi theo đuổi nghề nghiệp, đã có lúc khó khăn tôi thay đổi sang một công việc khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tôi lại quay lại, bởi niềm đam mê đến mức ám ảnh của nghề. Khi cầm máy ảnh trên tay, gặp gỡ tiếp xúc với khách hàng, bắt tay vào công việc mới cảm nhận được chính mình, con người hoạt bát, tinh thần phấn chấn…”.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, nhiếp ảnh có nhiều điều kiện hơn để sáng tạo, nhu cầu xã hội về ảnh nghệ thuật cũng rất lớn. Tuy nhiên, để sống được với nghề, đòi hỏi người làm phải được đào tạo cơ bản. Bên cạnh niềm đam mê, người làm ảnh cũng cần hội tụ những tiêu chuẩn về sức khỏe, kiến thức, tận tâm và đạo đức nghề nghiệp. 

Theo nghiệp ảnh đã nhiều năm, hiện anh Điệp đang là chủ một studio ảnh viện ở Hà Nội, anh cho rằng, người làm nghề ảnh phải thường xuyên học hỏi từ đồng nghiệp, từ những bậc đàn anh…

Kiến thức cơ bản về nghề là rất quan trọng đối với một thợ ảnh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần có ê kíp, sự chuẩn bị bài bản về nội dung ý tưởng trước khi thực hiện, ê kíp có thể phải đến địa điểm thực tế trước để khảo sát, kiểm tra hiện trường để chuẩn bị trang phục, đạo cụ phù hợp…

Đây cũng là sự khác biệt so với những người chụp không chuyên, chỉ chụp ngẫu hứng hoặc bạn bè rủ nhau đi chụp để ghi lại những khoảnh khắc làm kỷ niệm mà ít khi chú trọng đến những phần nội dung, chủ đề, ý tưởng…

Anh Điệp cho biết, các sản phẩm của ảnh rất phong phú như: Ảnh cưới, gia đình, trẻ em, chân dung, ảnh nghệ thuật, doanh nghiệp. Người thợ ảnh còn có thể đi sâu vào các hạng mục công việc chuyên ngành khác như chụp ảnh thời trang, sản phẩm, quảng cáo…

Chụp ảnh gần như không giới hạn tuổi nghề, ở mọi độ tuổi đều cần người thợ có tay nghề cao, có thể làm việc được lâu dài với mức thu nhập khá tốt, ước khoảng từ 20 triệu đồng/tháng… Thời gian làm việc không bị khuôn cứng, bó hẹp.

Tuy nhiên, nghề nào cũng đều có những vất vả riêng, với nghề ảnh việc thức khuya, dậy sớm, đi, về bất thường cũng là chuyện “cơm bữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ