Thông tin và lý giải
Thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, gói thầu của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh có nội dung: Mua sắm lễ thắp hương thờ cúng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Đây là nguồn kinh phí chi sự nghiệp bảo đảm xã hội năm 2019, được bố trí theo Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 30/5/2019 của UBND tỉnh. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Dự toán gói thầu là hơn 4,7 tỷ đồng.
Tương tự, là gói thầu của Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình có nội dung: Mua bánh kẹo tặng người có công và thân nhân liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Chi tiết nguồn vốn là ngân sách tỉnh năm 2019, đã bố trí tại Quyết định số 1688/QĐ-UBND ngày 18/12/2018 và Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 24/6/2019 của UBND tỉnh. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Dự toán gói thầu là hơn 8,7 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Lê Thị Mai Hoa cho biết, hơn 4,7 tỷ đồng là tiền ngân sách của tỉnh bỏ ra để mua quà thắp hương cho các liệt sĩ.Tỉnh Hà Tĩnh có gần 24 nghìn liệt sĩ nên số tiền hơn 4,7 tỷ đồng là bình thường, vì tính ra mỗi gói quà chỉ trị giá 200 nghìn đồng. Cụ thể là mua quà, bánh kẹo tặng cho thân nhân liệt sĩ để thắp hương cho liệt sĩ. Còn chế độ chính sách của Trung ương thì phát tiền mặt cho thân nhân liệt sĩ.
Liên quan đến gói thầu của tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Xuân Phương giải thích: Đây không phải là quà thắp hương mà là quà cho đối tượng chính sách, người có công. Ngoài chính sách của Trung ương cho người có công, thân nhân liệt sĩ thì mỗi địa phương còn có một gói quà trị giá 200 nghìn đồng. Ninh Bình có xấp xỉ gần 30 nghìn người có công và thân nhân liệt sĩ. Năm nay tỉnh nâng giá trị của một suất quà lên 300 nghìn đồng/suất. Như vậy thì số tiền mới lên đến 8,7 tỉ đồng và tất cả các quy trình đều được đưa lên Báo Đấu thầu.
“Gói thầu nêu rất rõ là quà cho người có công và thân nhân liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ và đây không phải là quà thắp hương” - ông Phương nhấn mạnh.
Cách dùng từ ngữ
Trao đổi với Báo GD&TĐ về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7), các địa phương đều đi thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình chính sách, người có công... Phần quà này gọi là lễ mua hương, kèm theo phần quà của địa phương, chính là gói thầu mà địa phương mua sắm. Đây là công tác thường xuyên hàng năm của các địa phương. Trước đây nếu không đấu thầu, địa phương cũng chỉ định đơn vị cung cấp, nên việc đấu thầu thì sẽ công khai hơn.
Giải thích rõ hơn, ông Kiên cho biết, đi tặng quà tại địa phương bao giờ cũng có một túi quà, trong đó có phong bì và một phần quà tặng. Túi quà đó tùy theo điều kiện của mỗi địa phương, túi nào nhiều thì có trị giá khoảng 300 - 500 nghìn đồng, ở địa phương ít có điều kiện hơn thì túi quà chỉ có trị giá trên dưới 100 nghìn đồng. Chủ yếu là phong bì, tuy nhiên không thể chỉ đưa tiền, đây cũng là đạo lý thông thường trong việc thăm hỏi, lễ lạt…
Ông Kiên cho rằng, việc dùng từ gói thầu mua sắm lễ thắp hương khi dùng lễ thắp hương liệt sĩ thì đúng, nhưng thăm hỏi thương binh, gia đình chính sách thì đó lại là gói quà. Nói chung, nếu dùng từ mua quà cho gói thầu thì sẽ không bị phản cảm.