Quyết nhập học, trong đêm cũng đi
Dia kể, đây là chuyến đi xa lần đầu tiên trong đời em. Bố mẹ Dia không biết chữ, thậm chí còn không biết tiếng Kinh, ngay thành phố Hà Giang cũng chưa bao giờ đặt chân đến. Để Dia đi một mình vượt hơn 400 cây số, bố mẹ em chỉ biết giúp con gói ghém đồ đạc, cùng con đợi xe khách rồi bịn rịn nắm tay khóc. Quãng đường đến Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên nhập học của Dia phải chia làm hai chặng: Từ Sủng Tà về Hà Giang, và từ Hà Giang về Thái Nguyên. Quyết tâm đi học đại học, trong đêm Dia cũng đi.
Sinh viên tình nguyện trong Câu lạc bộ Luật gia trẻ Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đón và đưa Hờ Mí Dia về Ký túc xá lúc 23 giờ 15 |
Cả bản có 74 hộ dân nhưng chỉ có Dia học đại học. Thanh niên trong bản học hết cấp 2 là đi làm công nhân ở Hải Phòng hoặc Quảng Ninh. Biết Dia vẫn khao khát muốn học lên cao, một người quen cho em biết Trường ĐH Khoa học vẫn đang xét tuyển, thế là Dia nộp hồ sơ luôn.
Hồn nhiên chia sẻ về ước mơ đi học, về các bạn bè đồng trang lứa, nhưng khi nhắc về bố mẹ, giọng Dia chùng xuống, có lúc em nắm chặt tay mắt rưng rưng. Dia kể gia tài quý giá nhất của cả nhà là đàn lợn nuôi được mấy năm nay, bố Dia quyết đem bán tất, mua lại đôi lợn làm giống, còn bao nhiêu tiền bố Dia đưa em hết để cầm xuống xuôi nhập học! “Em chọn ngành Luật, mong sau này ra trường trở thành một cán bộ xã, học giỏi để bố mẹ tự hào với bà con trong bản” – Hờ Mí Dia xúc động tâm sự.
Nước mắt người bố và 5.000 đồng cho con
Cũng nhập học trong đêm giống Hờ Mí Dia là nữ sinh Sùng Thị Ná - thôn Suối Thầu Mông (xã Suối Thầu, Sa Pa, Lào Cai). 23 giờ đêm, Câu lạc bộ Luật gia trẻ đón Sùng Thị Ná, đưa em về khu ký túc xá, sắp xếp chỗ ở ổn thỏa. Ná bảo mọi người đối với em như người thân trong gia đình vậy.
Nhà Ná là hộ cận nghèo với 5 chị em. Chị cả đi lấy chồng, Ná là con thứ hai. Trước khi nhập học, Ná làm thêm ở một khách sạn tại Sa Pa, lương tháng được 3,2 triệu. Thu nhập ít ỏi này được coi là nguồn thu chính nuôi cả gia đình.
Kì thi năm nay, Ná được 20 điểm, đủ để vào ngành Du lịch Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên. Ná ấp ủ ước mơ học sâu về phục vụ buồng/phòng, sau này về làm việc ở Sa Pa - nơi đang có dịch vụ du lịch khá phát triển. Dù gia đình còn khó khăn, Ná đi học là mất đi một lao động chính nhưng bố mẹ rất ủng hộ Ná học lên cao. Nghe con gái quyết định đi học đại học, mẹ Ná giục về thu xếp đồ đạc kẻo lên trường muộn. Còn bố em hôm đưa con đi ra bến xe, trong túi còn đúng 5.000 đồng, bố lấy ra đưa cho Ná và khóc, bảo bố thương con quá... Kể lại cho các thầy cô nghe về hoàn cảnh của mình, Ná cũng rưng rưng vì nhớ bố. Nước mắt cô tân sinh viên khiến các thầy cô có mặt lúc đó đều cảm động.
Hờ Mí Dia và các anh chị sinh viên tình nguyện đón em về trường lúc nửa đêm |
“Trực tuyến” với nhà xe để đón tân SV
Sốt ruột vì một số thí sinh ngành Du lịch mãi không thấy nhập học, các thầy cô Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã liên lạc để hỏi thí sinh có gì khó khăn cần nhà trường hỗ trợ. Và thông tin ngày nữ sinh Sùng Thị Mỉ lên đường từ Hà Giang tới trường nhập học được chuyển ngay cho các thầy cô để bố trí người đón em.
Được biết cả xã có mình Sùng Thị Mỉ đi học đại học. Gia đình Mỉ điều kiện kinh tế khó khăn, bố em bị hỏng mắt, không có sức khỏe lao động. Việc đón Sùng Thị Mỉ như “trực tuyến hai chiều” giữa các thầy cô và nhà xe. Mới đầu nghe Mỉ nói khoảng 5 giờ em đến Thái Nguyên, cứ nghĩ là cuối giờ chiều. Nào ngờ, Mỉ tính là 5h sáng! Lúc nhà xe bảo sẽ thả hai bố con Mỉ ở đường cao tốc, cô giáo tiếp nhận thông tin đã nài nỉ: “Không, anh đừng thả sinh viên của chúng tôi ở trên đường cao tốc. Đêm khuya lạ nước lạ cái, sinh viên biết đường đâu để tìm trường. Có gì các anh đứng đợi chúng tôi ra rồi hẵng đi”. Thế nhưng khi đến nơi, chỉ thấy hai bố con Mỉ đứng chơ lơ ở đường cao tốc. Thấy thầy cô giáo, hai bố con mừng lắm, bố Mỉ chỉ biết nói đi nói lại: Thầy cô giáo tốt quá!
Quãng đường xa từ Hà Giang xuống Thái Nguyên, hai bố con Mỉ chưa có gì vào bụng. Đưa hai bố con đi ăn rồi nhập ký túc xá cũng khoảng gần 2 giờ sáng. Thấy con gái được các thầy cô giáo chăm sóc tận tình, bố Mỉ rất yên tâm gửi gắm con lại cho nhà trường. Từ đây, Mỉ coi Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên là ngôi nhà thứ hai của mình, nơi có bạn bè, thầy cô sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ.