Kiểu gia đình như thế nào có thể nuôi dạy những đứa trẻ ưu tú?

GD&TĐ - Không ít bậc phụ huynh có suy nghĩ rằng để nuôi dạy một đứa trẻ xuất sắc, cần phải cho con học tốt, thi vào trường điểm, học đại học danh tiếng và được hưởng nền giáo dục chất lượng tốt. Suy nghĩ này quả thực không sai, nhưng những điều đó vẫn chưa đủ.

Kiểu gia đình như thế nào có thể nuôi dạy những đứa trẻ ưu tú?

Một yếu tố quan trọng khác chính là sự tác động của gia đình đến trẻ nhỏ. Trẻ sinh ra và lớn lên sẽ có những mối quan hệ khăng khít với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Do đó, cách sống, suy nghĩ, giáo dục và đối nhân xử thế của cha mẹ có tác động mang tính quyết định đối với tính cách, tâm lý và hành vi của con trẻ.

Vậy, một gia đình với những bậc cha mẹ như thế nào mới có thể nuôi dạy được những đứa trẻ ưu tú?

1. Gia đình biết kiểm soát cảm xúc

Theo khảo sát, đa số các bậc phụ huynh đều có cảm giác lo âu khi nuôi dạy con. Họ không khỏi thắc mắc làm thế nào mới có thể trò chuyện với con tốt hơn? Phải làm gì khi quá bận rộn không có thời gian ở bên con? Hay phải làm gì khi điểm số của con tuột dốc?

Nguyên nhân chủ yếu của sự lo âu này chính là có rất nhiều cha mẹ không thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Sống trong lo lắng lâu ngày, phụ huynh luôn nhạy cảm, dễ nổi cáu, thường xuyên nóng giận với con.

Trẻ sống lâu trong môi trường cảm xúc tiêu cực của cha mẹ: Một là sẽ bị ảnh hưởng về cảm xúc và cũng trở nên nóng tính, dễ nổi giận. Hai là trẻ có thể sẽ không cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ, khi gặp khó khăn trong sinh hoạt và học tập, trẻ không muốn nói với người lớn, dẫn đến tình thân ngày càng xa.

Nếu một gia đình biết kiểm soát cảm xúc của mình, cho con lớn lên trong môi trường tích cực, nhẹ nhàng thì đứa trẻ nhất định cũng sẽ là một người biết kiểm soát cảm xúc, quan hệ giao tiếp nhất định cũng sẽ êm đẹp. Khi gặp vấn đề, trẻ sẽ dùng lý trí để suy nghĩ, chứ không bị cảm xúc chi phối.

Hãy tin rằng nếu bạn mang đến mưa gió, sự buồn bã, đen tối và bi quan cho con thì các con cũng sẽ trả lại cho bạn những thứ ấy. Nếu bạn cho trẻ niềm vui, lạc quan, ánh sáng và tiếng cười, trẻ cũng sẽ đáp lại bạn những điều tương tự.

(Ảnh: pixabay.com)

2. Gia đình biết cân nhắc đến cảm nhận của con

Nếu con bạn không thể kiên trì với chủ kiến, đó là bởi vì khi con nhỏ, bạn luôn phê bình con ở nơi đông người.

Nếu con bạn dễ nổi giận, đó là bởi vì bạn không dành cho con đủ sự khen ngợi, chỉ khi làm sai thì các con mới được chú ý.

Nếu con bạn không biết tôn trọng cảm nhận của người khác là vì bạn luôn ra lệnh cho con, không để tâm đến cảm nhận của trẻ.

Nếu con bạn luôn bí mật, chuyện gì cũng không nói với bạn, đó là bởi vì bạn cứ luôn đả kích trẻ.

Trên thực tế, những bậc cha mẹ như vậy không hề hiếm. Rõ ràng là muốn giúp con sửa lỗi, nhưng lại không cân nhắc đến suy nghĩ, thể diện của con, dùng cách dạy con trước mặt người khác để làm tổn thương đến lòng tự tôn và cảm giác an toàn của con. Rõ ràng là những lời quan tâm, nhưng khi nói ra miệng thì lại đổi thành cách nói khách. Rõ ràng muốn con tiến bộ, mà cứ luôn gây áp lực cho con bằng phương cách giáo dục “áp đảo”.

Điều mà các bậc phụ huynh không biết chính là có rất nhiều trẻ không thể phân biệt rõ, cứ như vậy tin vào những lời mà cha mẹ nói về mình, từ đó hình thành nên quan niệm của bản thân. Các con sẽ rơi vào cảm xúc tự nghi ngờ, phủ định bản thân và không thể thoát ra được, trẻ sẽ nghĩ rằng mình giống như những gì mà cha mẹ nói, vô dụng, ngu ngốc, khờ khạo… Một khi trẻ nhận lấy những cái mác mà cha mẹ gán cho mình thì rất có khả năng sẽ phát triển theo hướng đó.

(Ảnh: bigstockphoto.com)

3. Gia đình biết cách giúp trẻ tự bước đi

Trong cuộc sống, chúng ta thấy không ít các bậc phụ huynh hết lòng, tận tụy lo cho con cái. Họ rất tỉ mỉ, muốn thay con sắp xếp tất cả mọi việc, thậm chí còn suy nghĩ đến cả việc phải thi vào trường nào, học ngành gì. Họ giống như máy bay trực thăng đẩy con lên trên trời, bất cứ lúc nào cũng giám sát nhất cử nhất động của trẻ, kề bên chuẩn bị xử lý chướng ngại vật cho con, sợ các con lầm lỡ phải đi đường vòng.

Họ không biết rằng mình có thể làm thay con, nhưng không thể trưởng thành thay cho trẻ được. Họ càng muốn viết sẵn tương lai của con, trẻ sẽ càng không thể đạt được yêu cầu hoàn hảo của họ.

Quá trình trưởng thành của trẻ là một quá trình xã hội hóa. Một trong số các đặc điểm rõ nhất chính là tính thực tiễn. Các con phải thông qua trải nghiệm của bản thân thì mới có thể hiểu được rất nhiều việc, còn cha mẹ nên cố gắng hết sức cho con cơ hội để trải nghiệm.

Hệ quả của việc cha mẹ hết lần này đến lần khác can thiệp vào cuộc đời của con, thay con làm tất cả mọi thứ, để con phát triển theo quỹ đạo mà mình đã thiết kế sẵn là gì? Điều đó chẳng những tước đi quyền tự lớn lên của con, khiến con mất đi cơ hội được trưởng thành một cách độc lập, nuôi dạy con trở thành “vô công rồi nghề”, và còn khiến trẻ không cảm nhận được niềm vui trong học tập và cuộc sống, trẻ phải chịu sự ép buộc và chán nản. Từ đó vô hình trung dẫn đến đôi bên đều cảm thây khổ sở và ngột ngạt.

Có nhiều bậc phụ huynh nói rằng họ không dám rời ra, sợ một khi buông tay ra, con sẽ bị tổn thương, sẽ đi sai đường. Hoa trong nhà kính không chịu nổi mưa gió, trẻ càng độc lập sớm, càng nhanh trở thành cá thể độc lập hơn thì sẽ càng chịu được mưa gió trong đời hơn. Phải tin tưởng rằng khi buông tay con ra, chưa từng có đứa trẻ nào không thích ứng được, chỉ có cha mẹ không làm được mà thôi.

(Ảnh: istockphoto.com)

4. Gia đình có truyền thống ham đọc sách

Theo khảo sát, cha mẹ thường xuyên đọc sách báo vào thời gian rảnh, tỷ lệ con đạt điểm số giỏi sẽ cao hơn.

Nếu trong một gia đình mà cha mẹ thích đọc sách, khi có thời gian rảnh cả nhà cùng tập trung vào đọc sách, thì dần dần con trẻ cũng sẽ thích đọc sách một cách tự nhiên, không hề miễn cưỡng, ngược lại còn rất vui vẻ. Từ khi con ra đời đã được lớn lên trong môi trường như vậy thì trong mắt trẻ, việc đọc sách là một việc hết sức bình thường cũng giống như ăn cơm hay hít thở.

Vậy trong cuộc sống của chúng ta thì sao? Có rất nhiều bậc phụ huynh yêu cầu con đọc nhiều sách, nhưng bản thân lại ngồi bên cạnh chơi điện thoại, xem tivi. Thực tế, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ học tập của con. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, là những người ở bên con lâu nhất, mọi cử chỉ lời nói của cha mẹ đều sẽ khắc sâu trong trẻ một cách tiềm tàng.

Một vài người sẽ nói, mỗi ngày họ phải lăn lộn để trang trải cuộc sống, làm gì có tâm trạng và sức lực để đọc sách? Hoàn toàn không bắt buộc chúng ta phải đọc rất nhiều sách, cũng không ép chúng ta phải đọc sách bất cứ lúc nào. Nhưng ít nhất là trước mặt con, khi con học, chúng ta phải làm cùng con, dù là xem sách vở của con, xem tạp chí để khiến trẻ biết rằng trẻ không đơn độc một mình, để con hiểu rằng học tập là việc lâu dài, sống đến già thì cũng học đến già.

(Ảnh: shutterstock.com)

5. Gia đình có quan hệ vợ chồng hòa hợp

Một gia đình đầu tiên phải có quan hệ vợ chồng hòa hợp thì mới có thể xây dựng được mối quan hệ tình thân lành mạnh. Mối quan hệ vợ chồng là trụ cột của một gia đình.

Có một câu nói rất hay: Tình yêu thương tốt nhất của một người bố dành cho con chính là sự yêu thương và ân cần dành cho người mẹ của các con; còn tình yêu thương tuyệt nhất của một người mẹ chính là khen ngợi và tôn trọng người cha của con.

Khi được yêu thương, người mẹ tự nhiên sẽ có sự nữ tính và dịu dàng. Khi được khen ngợi, người cha tất nhiên sẽ trở thành thần hộ vệ trong lòng con, là tấm gương để con học theo.

Mối quan hệ gia đình hòa hợp này dần dần hình thành nên không khí gia đình tươi sáng hạnh phúc. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình như vậy không chỉ lạc quan hướng thiện, mà còn tin tưởng vào tình yêu, sẽ bày tỏ tình yêu thương một cách tự nhiên, bởi vì trẻ biết rằng, tình yêu chính là việc không cần suy nghĩ quá nhiều mà sẽ đến một cách tự nhiên.

(Ảnh: shutterstock.com)

Trẻ lớn lên trong những lời cãi vã sẽ không có cảm giác an toàn. Cha mẹ yêu thương nhau có thể cho con đủ cảm giác an toàn, sẽ khiến con trở nên dũng cảm, học cách độc lập khắc phục khó khăn và sợ hãi. Bởi vì trẻ biết rằng nhà sẽ mãi mãi là điểm tựa và bến bờ của mình.

Mối quan hệ vợ chồng hòa hợp còn có lợi đối với sự giao tiếp của con với người khác. Cha mẹ yêu thương nhau, lời nói hành động của con cũng sẽ toát ra sự thân thiện, trẻ càng dễ được người khác thân thiết và tôn trọng. Còn những đôi vợ chồng cứ nói chuyện khó nghe, động tay động chân sẽ nuôi dạy những trẻ luôn bất an, khó làm thân.

Theo trithucvn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.