Thị trường du lịch dần phục hồi
Theo thống kê, trong dịp Tết, nhiều địa phương đã đón hàng trăm nghìn lượng khách đến tham quan, trải nghiệm. Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho thấy, trên cả nước, trong 9 ngày Tết, các địa phương đón khoảng 6,2 triệu lượt khách. Lượng khách vượt qua cả tháng 12/2021 và không kém nhiều so với tháng Tết năm 2020, khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp.
Trong đó, Hà Nội ước tính đón hơn 105 nghìn lượt du khách. Sở Du lịch Quảng Ninh thông tin, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, địa phương đón trên 300 nghìn lượt khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết Nhâm Dần, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đón gần 8,5 vạn lượt khách du lịch. Con số này đã tăng 35,52% so với dịp Tết Tân Sửu 2021.
Thông tin từ Sở Du lịch Nghệ An, trong 9 ngày Tết Nguyên đán, tỉnh đã đón và phục vụ gần 190.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt gần 25 tỷ đồng. Tại Thừa Thiên - Huế, trong 10 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán, có khoảng 63.232 lượt khách đến và tham quan các điểm di tích, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh. Ngoài lượng khách nội địa, Việt Nam cũng đón khoảng 9.000 lượt khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin trong dịp Tết.
Nhờ dấu hiệu phục hồi ngành du lịch, các công ty lữ hành cho thấy nhân lực đang thiếu nghiêm trọng. Điều này đúng như dự đoán của các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp là nhiều lao động ngành này đã bỏ nghề trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhân lực ngắn hạn khi thị trường “nóng lên”.
Theo ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao: “Đây là công việc thường xuyên phải tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và đa dạng các nền văn hóa trên thế giới. Vì vậy, cần có vốn kiến thức sâu rộng ở nhiều chủ đề khác nhau, từ lịch sử, văn hóa đến chính trị, xã hội... Ngoài ra, cần sự năng động và linh hoạt để xử lý các tình huống. Đây cũng chính là nguyên nhân khó tuyển dụng ngay được nhân lực tạm thời. Tuy nhiên, dấu hiệu khởi sắc của du lịch khiến cho sinh viên theo học yên tâm hơn”.
Về cơ hội nghề nghiệp, Thạc sĩ Trần Phương cho biết, các trường nghề đều có cam kết 100% ra trường là có việc làm đúng ngành. Chưa kể, học viên ngành này còn có thể làm nhiều công việc khác liên quan như nhân viên kinh doanh, phát triển sản phẩm, điều hành dịch vụ, cung cấp dịch vụ vé máy bay, visa…
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học viên ngành này cũng có cơ hội làm thêm đúng nghề rất cao. Các trường đều khuyến khích sinh viên tranh thủ thời gian tham gia vào các công ty du lịch ở vị trí thực tập, làm thêm.
Thực tập cho sinh viên gặp khó, cần đào tạo linh hoạt
Theo đánh giá, khi du lịch được phục hồi, nhân lực ngành này dù thiếu trầm trọng nhưng đào tạo lại gặp nhiều khó khăn.
TS Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Thương mại Hà Nội, cho biết, du lịch là ngành đặc thù nên học sinh học một chuyên ngành có khi phải thực tập ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, chính sách của hầu hết doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là không chấp nhận trả chi phí cho sinh viên trong quá trình thực tập.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ cần người lao động khi họ hoạt động nhưng trong suốt năm qua ngành du lịch đóng cửa nên nhu cầu của doanh nghiệp không còn. Điều này khiến vấn đề thực tập của sinh viên ngành du lịch gặp không ít khó khăn.
“Nhà trường đã phải xây dựng lại chương trình đào tạo, bảo đảm phương án linh hoạt, trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và được sự cho phép của các địa phương. Nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đưa học sinh, sinh viên đi trải nghiệm, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp”, TS Hà cho biết.
Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, cho biết, trường đã đưa được sinh viên đi thực tập thực tế. Tuy nhiên, để tìm được đối tác tốt mang lại hiệu quả cao giữa ba bên là học sinh, nhà trường, doanh nghiệp thì rất khó. Hiện chỉ có những khách sạn lớn từ 3 sao trở lên mới có thể đáp ứng được điều này.
Thực tế cho thấy, những gián đoạn do đại dịch Covid-19 khiến học sinh, sinh viên của các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Không chỉ sinh viên tại ngành du lịch mà sinh viên nói chung đều phải được đào tạo tay nghề thông qua trải nghiệm thực tế trên các máy móc, thiết bị, hoạt động dịch vụ trực tiếp. Do vậy, việc sinh viên đến trường học tập và đến trải nghiệm nghề thực tế tại doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng.
Ông Hầu Thăng Bình, đại diện khách sạn Saigon Hotel, cho biết, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Mặc dù, Chính phủ có những chiến lược mở cửa, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thực tế được như mong muốn. Cụ thể, khảo sát tại TPHCM trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, lượng phòng khách sạn lấp đầy chưa đến 30%.
Ông Bình cho rằng, trước khó khăn của dịch bệnh, khuynh hướng chủ đạo của doanh nghiệp là đào thải nhân viên hơn là tuyển chọn vì đơn giản là doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Chính vì vậy mà việc liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường cũng phụ thuộc lớn vào tình hình thực tế của thị trường.
“Thị trường lao động ngành du lịch, đặc biệt khách sạn rơi vào tình trạng dư nhưng lại thiếu bởi người có tay nghề cao thì chuyển nghề, người có tay nghề bình thường thì chủ yếu bị doanh nghiệp đào thải. Chính vì vậy, nguồn lao động du lịch có nhiều thay đổi, thậm chí là thiếu về lao động tay nghề cao và có kinh nghiệm”, ông Bình chia sẻ.