Sức cạnh tranh còn yếu
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Đặc biệt, sinh viên ngành du lịch được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng nhưng khi được tuyển dụng làm việc thì hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ.
Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch không những thiếu về số lượng, mà còn yếu về chuyên môn. Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động du lịch chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp và hạn chế lớn nhất của nhân lực du lịch Việt Nam là trình độ ngoại ngữ.
Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR), với tốc độ tăng trưởng 7%, đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành du lịch tăng lên khoảng 870.000 lao động.
Tuy nhiên, theo TS Trần Văn Hùng - Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, điều đáng bàn và đáng quan tâm chính là bất cập trong đào tạo nhân lực du lịch dẫn đến không thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng nóng của ngành.
“Việt Nam sẽ cạnh tranh ra sao khi tỉ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ hiện chỉ khiêm tốn ở mức 43% tổng số lao động du lịch. Số lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 30% trong tổng số lao động, và hơn một phần hai lao động làm việc trong ngành du lịch có khả năng ngoại ngữ yếu. Đặc biệt, năng suất lao động du lịch ở Việt Nam hiện bằng 1/15 của Singapore, 1/11 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia.
Trong khi đó, dù số lượng các cơ sở đào tạo về du lịch ngày càng gia tăng nhưng chưa có sự liên kết, thống nhất trong chương trình đào tạo, không thừa nhận lẫn nhau và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và chưa theo kịp các quốc gia trong khu vực. Đây là những tồn tại, nếu không nhanh chóng tháo gỡ chúng ta sẽ bị bỏ lại” - TS Hùng chia sẻ.
Gấp rút chuyển mình để hội nhập
Theo TS Trần Văn Hùng, ngành du lịch ASEAN đã xây dựng tiêu chuẩn nghề chung cho 6 nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hànhtourvới tổng số 32 chức danh nghề (không bao gồm nghề hướng dẫn viên du lịch). Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được xây dựng.
Một số nước như Indonesia,Malaysia, Thái Lan… đã có cơ quan quốc gia cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho người lao động.
Sắp tới thỏa thuận chung giữa các quốc gia ASEAN về nhân lực du lịch sẽ được thực hiện, và khi đó người lao động ở 32 chức danh nghề nêu trên sẽ cạnh tranh và gia tăng cơ hội làm việc tốt hơn.
Tuy vậy, với những hạn chế đang phải đối mặt nếu nguồn nhân lực du lịch Việt Nam không sớm được cải thiện, TS Hùng cho rằng chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Và để điều đó không xảy ra, TS Trần Văn Hùng cho rằng các cơ quan quản lý du lịch cần xây dựng được khung trình độ quốc gia về giáo dục và đào tạo nghề du lịch với nội dung theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN để các cơ sở đào tạo có thể áp dụng trong quá trình đào tạo tại đơn vị; Thống nhất và ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch phù hợp với tiêu chuẩn nghề ASEAN đã ký kết và công nhận chung theo thỏa thuận MRA-TP.
Quan trọng nhất là sớm hình thành mạng lưới các trung tâm thẩm định nghề du lịch theo quy định của pháp luật và phù hợp với ASEAN, xác lập hệ thống thẩm định viên đủ tiêu chuẩn trong nước và khu vực ASEAN để bảo đảm việc tham gia thẩm định cấp chứng chỉ theo quy định chung của khu vực, bảo đảm việc thừa nhận và công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về bằng cấp, chứng chỉ.
ThS Huỳnh Văn Giàu – Trường Đại học Văn Hiến lại cho rằng: Để có thể thực hiện thành công các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp thị du lịch.
Song song đó, cần tăng cường phối hợp với các ngành và liên kết các vùng, các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Việc khai thác sản phẩm du lịch, các địa phương cần chú trọng bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản văn hóa.
Đặc biệt, cần có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch bài bản, đầu tư cho du lịch một cách đúng nghĩa, tức là đầu tư cho phát triển kinh tế và xã hội, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.