Đào tạo nhân lực ngành du lịch: Cốt lõi là giỏi thực hành

GD&TĐ - Đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đào tạo nhân lực của ngành công nghiệp không khói nói riêng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hiện, các trường học cũng như các công ty du lịch đang tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp trong giai đoạn bình thường mới.

Ngành du lịch vẫn hot

Dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều nhân sự trong ngành du lịch phải bỏ nghề hoặc chí ít là tạm dừng công việc chính của mình để làm nghề “tay trái”, kiếm kế sinh nhai. Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, đó là một thực tế, song ngành công nghiệp không khói chưa bao giờ hết hot.

Trong buổi gặp gỡ phụ huynh học sinh mới đây để thảo luận về việc chọn ngành nghề và các trường đại học cho các em, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM cung cấp một số ngành nghề hot hiện nay. Cùng với ngành y, dược, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa thì ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng đã được đề cập.

Ông Phú phân tích, Việt Nam lọt top 10 quốc gia du lịch được yêu thích nhất. Với doanh thu càng ngày càng tăng, đây sẽ là ngành nghề cần nhiều nhân lực trong tương lai. Sinh viên theo học ngành du lịch sẽ có nhiều cơ hội phát triển, ra trường không lo thiếu việc làm.

Thực tế là, sau quãng thời gian bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành hiện đang nhộn nhịp tuyển dụng nhân sự phục vụ cho việc tái hoạt động.

Công ty cổ phần thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên (Biên Hòa, Đồng Nai) hiện có nhu cầu tuyển dụng hàng loạt vị trí như kỹ sư cảnh quan và nhân viên IT (cho Khu du lịch Suối Tiên), nhân viên PR - truyền thông, tiếp thị số, tiếp thị nội dung, truyền thông xã hội... với mức lương thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng, cao nhất là 15 triệu đồng/tháng.

Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần lữ hành Việt - Du lịch Việt Nam, Công ty Du lịch Trần Việt, Công ty tổ chức hội nghị, sự kiện và du lịch quốc tế Hòa Bình... cũng tuyển dụng nhiều vị trí làm việc ở các thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…

Đặc biệt, nhiều công ty du lịch, lữ hành rất cần nhân sự về điều hành tour, bán tour, hướng dẫn viên nội địa... do lượng khách du lịch đang ngày càng tăng lên sau Tết.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, hằng năm, Việt Nam cần trên 22.000 nhân lực cho ngành du lịch, nhất là nhân viên du lịch có kỹ năng giao tiếp tốt, trình độ ngoại ngữ giỏi. Hiện nay, nguồn nhân lực quản trị khách sạn của Việt Nam còn yếu kém, nhiều khách sạn vẫn phải thuê quản trị từ quốc tế. 

Những thay đổi trong công tác đào tạo

Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu Vatel của Pháp. Ảnh: Nam Sơn
Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu Vatel của Pháp. Ảnh: Nam Sơn

Ngành du lịch hiện vẫn hot nhưng công tác đào tạo nhân lực buộc phải có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Theo Outbox Consulting, Công ty Tư vấn và Nghiên cứu giải pháp quản lý điểm đến tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 khiến thói quen du lịch thay đổi, xuất hiện những xu hướng du lịch mới, trong đó việc bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu.

Chính vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh du lịch cần tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Thạc sĩ Lưu Quốc Tuấn, Trưởng phòng Hướng dẫn Quốc tế của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết trước đây, các loại hình du lịch truyền thống, gắn với tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí (nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng sinh thái thuần túy...) là cơ bản.

Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch mới được hình thành, phát triển, trong đó phải kể đến xu hướng du lịch trải nghiệm, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Ngoài công việc quản lý các hướng dẫn viên quốc tế của Saigontourist, thạc sĩ Lưu Quốc Tuấn cũng có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy về du lịch ở các trường ĐH KHXH&NV TPHCM, Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn…, nên hiểu rất rõ về những thay đổi trong công tác đào tạo nhân lực của ngành du lịch.

Thạc sĩ Lưu Quốc Tuấn nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Xu thế số hóa sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng của ngành công nghiệp không khói.

Dịch bệnh Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình “số hóa” để phục vụ khách hàng trải nghiệm “du lịch không chạm”, nâng cao độ an toàn trong các tour du lịch. Chính vì thế, chuyện nhân sự ngành du lịch thành thạo công nghệ, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội là tất yếu.

Một vấn đề cũng rất quan trọng không thể không nhắc đến là do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí dành cho nguồn nhân lực của các công ty du lịch cũng hạn hẹp. Những đơn vị này hướng đến việc quản trị tinh gọn với những nhân sự đa năng, một người có thể kiêm nhiệm nhiều công việc và mang lại năng suất cao. Hơn hết, đào tạo lao động trẻ, năng động, giỏi thực hành là nhiệm vụ cốt lõi của doanh nghiệp và các trường đại học.

Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ, nhà trường đã và đang phát huy triệt để thế mạnh về đào tạo các ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng. Trường tổ chức các đề án do sinh viên thực hiện như The Future Chef, cuộc thi The Guiding Star... và đặc biệt chương trình đào tạo chuyên sâu Vatel của Pháp.

Chương trình Vatel đã thực hiện thành công các buổi thực hành thực của sinh viên tại Hotel Grand Saigon. Đây là chương trình học thực tế tại khách sạn đối tác nằm trong lộ trình học của sinh viên Vatel năm thứ 2, nơi các bạn được trực tiếp đào tạo bởi các anh/chị trưởng bộ phận dày dạn kinh nghiệm từ các khách sạn đối tác lớn ở TPHCM.

Chính những sân chơi bổ ích này đã giúp các bạn trẻ rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ về du lịch. Từ đó, sinh viên có thể sẵn sàng thích ứng với môi trường luôn biến động và xử lý rủi ro trong du lịch, nhất là trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.

Ngoài ra, với giáo trình giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp linh động giữa học tập và thực hành (2 học kỳ thực tập tại doanh nghiệp), sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành Trường Đại học Hoa Sen không chỉ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn vững vàng, mà còn tích lũy được kinh nghiệm làm việc thực tế.

Hiện nay, công tác đào tạo của ngành công nghiệp không khói có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quá trình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đóng một vai trò rất quan trọng.

Điều này tạo điều kiện cho sinh viên ngành du lịch có thể tiếp xúc với thực tế ngay khi còn đang học. Đây là cơ hội để các em có được những trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, sớm thích ứng được với công việc mới sau khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.