Đây được xem là những thông tin hữu ích đối với giới trẻ hoặc các phụ huynh có con vừa hoàn thành Kỳ thi THPT quốc gia đang chờ đợi kết quả thi để “tính chuyện đường dài” cho con đường nghề nghiệp tương lai.
Nhân lực thiếu và yếu
Một khảo sát mới đây của mạng việc làm JobStreet.com cho thấy nhân lực ngành Du lịch đang rất khan hiếm khi có đến gần 90% các công ty cần tuyển lao động, nhưng số lượng và chất lượng vẫn không đủ và không bảo đảm.
Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội cho biết, đây là một thực tế mà hiện nay ngành Du lịch đang phải đối mặt. Tình trạng thiếu nhân lực không chỉ đối với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, mà còn là của cả ngành Du lịch nói chung.
Ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, số lượng khách du lịch đã tăng lên gấp đôi so với 3 năm trước. Số lượng phòng phục vụ khách du lịch cũng tăng với tốc độ tương tự kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này.
Đây cũng là một điểm khó khăn đối với tất cả các cơ sở đào tạo về du lịch. Hệ thống các trường cao đẳng chuyên đào tạo các ngành Du lịch thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện có 8 trường trên cả nước. Tuy nhiên, với năng lực của các trường, số lượng học sinh sinh viên (HSSV) qua đào tạo cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống các trường ngoài ngành hiện đang đào tạo du lịch, song trước mắt cũng không thể bảo đảm được nhu cầu nhân lực ngành Du lịch hiện nay.
Cụ thể hơn, trong hệ thống khách sạn, các vị trí việc làm như: Lễ tân, buồng, bàn, chế biến món ăn… đều có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, số lượng khách du lịch tăng lên nhanh chóng thì nhu cầu nhân lực về điều hành, quản lý, đặc biệt là hướng dẫn viên cũng đang rất lớn.
Gắn kết và đặt hàng đào tạo
Thi pha Cocktail tại Trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội |
Trao đổi tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho biết: Nguồn nhân lực phục vụ buồng phòng khách sạn hiện thiếu nghiêm trọng. Các đơn vị đào tạo chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, trong khi đó tại các trung tâm trọng điểm du lịch thì công tác đào tạo rất yếu. Lượng sinh viên được qua đào tạo thấp hơn nhiều so với nhu cầu 10.000 – 15.000 người lao động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú trên cả nước. Đối với dịch vụ lữ hành, các doanh nghiệp sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên, con số này gần như không thể đảm nhiệm nổi phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt với khách nói ngôn ngữ ít thông dụng. Trước thực trạng trên, ông Kỳ kiến nghị ngành du lịch cần có chiến lược đào tạo rõ ràng, chương trình đào tạo cần được cập nhật theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là cần có chính sách khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp.
Gắn kết đào tạo với doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho HSSV ngay sau tốt nghiệp là hướng đi mà các cơ sở đào tạo đang theo đuổi. Đối với ngành Du lịch cũng không là ngoại lệ. Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để cơ sở giáo dục có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng, để đáp ứng việc tuyển dụng đầu vào, các cơ sở cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình đào tạo tương ứng theo sát các yêu cầu thực tế phát triển ngành Du lịch đồng thời vừa phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch của quốc tế.
“Tính chuyện đường dài...”
Ngành Du lịch, nhà hàng, khách sạn đang rất phát triển. Khách quốc tế đến Việt Nam cũng ngày càng đông, chính vì vậy làm bất kỳ nghề nào thuộc ngành này cũng cần phải trau dồi và giỏi ngoại ngữ. Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Cao Khải cho biết, trang bị cho HSSV có đủ trình độ ngoại ngữ là một thách thức lớn, nhà trường hiện nay mới chỉ bảo đảm được phần kỹ năng nghề, kỹ năng giao tiếp, còn ngoại ngữ thì mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cần có sự nỗ lực của người học, hướng đến những ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp. HSSV ở vị trí việc làm nào thì cần phải có ngưỡng trình độ ngoại ngữ tương ứng.
Chương trình đào tạo của nhà trường chú trọng đến những kỹ năng giao tiếp, trong đó tập trung vào luyện tập nghe, nói. Xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh, khuyến khích các em tham gia trao đổi học tập lẫn nhau; Phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ để tiếp nhận tình nguyện viên nước ngoài đến giao lưu, tạo cơ hội cho HSSV làm quen với môi trường văn hóa quốc tế.
Cũng theo ông Trịnh Cao Khải, đối với HSSV ngành Du lịch, hiện nay cơ hội việc làm tương đối tốt, chỉ sau kỳ học thứ 3 hoặc thứ 4, các em đã bắt đầu được giới thiệu đến thực tập tại doanh nghiệp và được trả lương, khi tốt nghiệp các em còn có thể được lựa chọn làm việc tại doanh nghiệp mà mình mong muốn, trên 90% HSSV có việc làm ngay sau tốt nghiệp.