Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, mục đích giám sát là để đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật; đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp đồng thời hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội...
Đây là chuyên đề giám sát rất được mong chờ bởi cho dù hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội được đánh giá là đã cơ bản đầy đủ, thậm chí có nhiều đổi mới mang tính đột phá, nhất là các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng thực tế, kết quả vẫn còn rất xa so với mục tiêu.
Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021 - 2025, cả nước mới chỉ hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, trong khi ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1.300.000 căn và giai đoạn 2025 - 2030 cần thêm khoảng 1.300.000 căn.
Đã có nhiều lý do đưa ra để giải thích cho thực trạng giữa nhu cầu và thực tế còn khoảng cách khá xa, trong đó, các nhóm nguyên nhân chính là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ cụ thể hơn khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, một đại biểu Quốc hội cho biết, theo báo cáo đánh giá tác động thì chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để bán, cho thuê... là một trong tám nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này nhưng trong dự thảo thể hiện chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Đó là chính sách trong dự thảo luật đang đi theo hướng phấn đấu bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng, sở hữu nhà ở xã hội thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp... Do đó, nếu cứ gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả người dân khai man các điều kiện về thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ mua nhà ở xã hội với giá thấp.
Trường hợp khác là người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua, dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa...
Ý kiến khác thì cho rằng, để thu hút doanh nghiệp thực hiện dự án nhà xã hội cho thuê, cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, quan trọng nhất là chính sách ưu đãi và công tác quy hoạch. Địa phương phải xác định rõ khu vực nào dành cho nhà ở trung - cao cấp, khu vực nào dành cho nhà ở xã hội.
Thủ tục của các dự án cũng phải rút gọn, không thể để xảy ra tình trạng mất vài năm để làm thủ tục. Bên cạnh đó, mỗi dự án nhà ở xã hội cần có cơ chế dành ra khoảng 20% quỹ đất phục vụ mục đích thương mại để bù đắp lợi nhuận cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn.
Nhà ở xã hội là nhu cầu chính đáng và cấp bách của người lao động, người có thu nhập thấp. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp bảo đảm an sinh xã hội. Cho nên, kỳ vong rằng, sau giám sát chuyên đề này, những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là quan điểm, cách tiếp cận vấn đề là bảo đảm chỗ ở hay sở hữu nhà ở xã hội sẽ nhanh chóng được tháo gỡ.